Những bộ phim vượt qua sự cô đơn - nhìn từ Cannes

Nguyễn Mỹ Linh Thứ hai, ngày 29/05/2023 10:36 AM (GMT+7)
Sẽ có vẻ như quá khích khi nói về điện ảnh với tất cả sự hào hứng bằng thành công của các nhà làm phim Việt Nam và Pháp Việt vừa ghi dấu tại liên hoan phim Cannes lần thứ 76 vừa diễn ra từ ngày 16 – 27/5 tại thành phố Cannes xinh đẹp của Pháp.
Bình luận 0

Chỉ khi có mặt ở Cannes, thở hít bầu không khí trọng thị đối với văn hoá mà điện ảnh là một sứ giả, chứng kiến vị thế ngày một vững vàng của điện ảnh châu Á, những nhà làm phim châu Á, fan hâm mộ điện ảnh châu Á, thì sẽ thấy sự hứng khởi này là một xúc cảm hoàn toàn có thật và đáng tin cậy.

Kể từ cuối thập niên trước, khi làn sóng phim châu Á đến được với liên hoan phim Cannes một cách hối hả và đặc biệt tác phẩm của nhà làm phim Nhật bản Hirokazu Kore-eda nhận được giải Cành cọ vàng tại liên hoan phim Cannes 2018 cho bộ phim Gia đình kẻ trộm (Manbiki kazoku) rồi tiếp ngay đến là giải thưởng Cành cọ vàng cho bộ phim Ký sinh trùng của đạo diễn Hàn quốc Bong Joon-Ho thì cái nhìn về văn hoá châu Á tại Cannes, rộng hơn là Pháp và châu Âu rõ ràng có sự cởi mở hơn. 

Sự cởi mở này nó rộng hơn cái nhìn về tính hấp dẫn kiểu exotic dành cho những bộ phim mà các nhà làm phim Châu Á trước đó đã làm được, nó là sự cởi mở để tìm hiểu, tiếp nhận một nền điện ảnh nhiều tính đương đại hơn, đi cùng một nhịp với các nhà làm phim thế giới. 

Nhìn vào số lượng phim Châu Á được chọn vào tranh cử Cành cọ vàng ở các thể loại, cũng như trình chiếu ở các hoạt động song song của liên hoan phim sẽ thấy số lượng tăng, tính đa dạng của đề tài khác và lực lượng làm phim châu Á ngày một trẻ.

Đi hội chợ điện ảnh Cannes cũng vậy, gần 13.000 người tham dự, 4000 dự án và phim điện ảnh được đem bán, bằng mắt thường cũng thấy được sự hiện diện của các nhà làm phim Nhật Bản, Hàn Quốc với đủ mọi kích cỡ dự án và bộ máy sản xuất, phát hành phim.

Việt Nam ở đâu trên bản đồ này?

Phải nói là vô cùng khiêm tốn. Có những tác phẩm điện ảnh và dự án của Việt Nam được đem chào bán bởi các hãng sản xuất như Galaxy Studio. Cũng có những phim được chào bán bởi các đối tác đầu tư và nhà đại diện phát hành. Tuy thế, với bối cảnh của điện ảnh Việt Nam cũng như dịch bệnh những năm vừa qua, thế cũng là đáng mừng.

Cái đáng mừng thứ nhất là điện ảnh Việt Nam không kiệt quệ. Việt Nam được nhìn nhận là đất nước hồi sinh nhanh sau đại dịch nếu nhìn vào số lượng phim sản xuất và lượng vé bán ra trên đầu người. Chưa kể, các nhà làm phim thị trường vẫn mạnh dạn đầu tư và các nhà làm phim độc lập vẫn quyết tử vì đạo.

Không quyết tử thì sẽ không có phim của Bùi Thạc Chuyên được giải ở liên hoan phim ba châu lục Nantes, không quyết tử một cách hồn nhiên và đầy tài năng thiên bẩm thì Phạm Thiên Ân và ekip của mình sẽ không có giải Camera d'or ở một liên hoan phim danh giá là Cannes. Và họ chỉ là một số, còn nhiều người khác vẫn đang yêu điện ảnh và làm phim theo cách của họ.

Cách của họ là gì?

Là không trông chờ ở sự khuyến khích và hỗ trợ của nhà nước như các nhà làm phim châu Âu, nơi mà quỹ hỗ trợ điện ảnh hoạt động một cách hiệu quả. Khó mà có thể tìm thấy phim nào của Pháp mà không có dòng chữ nhỏ nhỏ ở dưới Generique "với sự hỗ trợ của trung tâm điện ảnh quốc gia", "với sự hỗ trợ của quỹ sáng tạo châu Âu" nói chung là phim nào cũng được đỡ đầu của những tổ chức vì sự phát triển cho văn hoá và điện ảnh.

Điều này dễ hiểu.

Châu Âu đã hiểu một cách thấu đáo và rõ ràng về năng lực tạo ảnh hưởng văn hoá bằng điện ảnh của các nhà làm phim Hollywood ra sao, người Pháp hoàn toàn có thể chỉ ra được phim ảnh Hàn quốc, Nhật bản đã tạo nên điều gì ở thủ đô Paris khi nhìn vào số lượng hàng quán Nhật Hàn và các xu hướng văn hoá được du nhập vào kinh đô ánh sáng, nơi chiếc máy quay và chiếu phim đầu tiên được phát minh bởi anh em nhà Pathé. 

Giờ phút này, để nói về sức mạnh của điện ảnh như một công cụ tạo ảnh hưởng văn hoá là đã quá ấu trĩ bởi nó đã được chứng minh từ lâu, giờ là thời khắc để nhận rõ giá trị và kết quả.

Kết quả dễ thấy nhất ở Cannes trong những ngày liên hoan phim là hàng đoàn các nhà làm phim, phát hành phim châu Á đến Cannes để bán phim và tìm kiếm cơ hội đầu tư. Kết quả hài hước và đầy tính đời sống là các nhà hàng ở Cannes, từ sang chảnh đến bình dân cứ 10 nhà hàng thì có 5 – 6  thêm một hai món Á vào thực đơn, điều này chỉ cách đây 5 năm là chưa có. 

Kết quả vinh dự hơn, là các ngôi sao châu Á đã được phóng viên ảnh gọi tên khi đi trên thảm đỏ, người hâm mộ điện ảnh châu Á đứng xếp hàng để vào rạp đã có thể nói chuyện về phim ảnh với các nhà làm phim châu Âu, và đáng trọng thị nhất, là phim châu á lọt vào danh sách tranh giải rồi được xướng danh nhận giải một cách đáng tự hào. Nói như chủ tịch của ban giám khảo liên hoan phim Cannes năm nay, Roben Ostlund "Cannes luôn chọn được người xứng đáng".

"Người xứng đáng" đã vượt qua sự cô đơn trên con đường điện ảnh của các tác giả độc lập tại Việt Nam, khi mà quỹ tài trợ cho sự phát triển điện ảnh không có, tên gọi của điện ảnh độc lập khiến e ngại và những tác phẩm điện ảnh nhiều tính sáng tạo, ít tính thị trường khiến người ta tranh cãi từ tháng này qua năm khác về tính cần thiết của nó cho công chúng xem phim, tính kinh tế của nó cho các nhà đầu tư vào điện ảnh và năng lực mang đến cái đẹp của nó cho nhận thức của con người.

Chỉ đến khi phim nhận giải, thì hành trình cô đơn ấy mới nở hoa và được ghi nhận. 

Tuy vậy, may mắn là điện ảnh với sự lãng mạn trong công việc đầy tính cay cực, sự hấp dẫn ma mị của công việc sáng tạo, đã không lấy hết đi những người sẵn lòng cô đơn vì nó, nhờ thế mà Việt nam vẫn còn những nhà làm phim trẻ, độc lập, chấp nhận rủi ro về nhiều mặt để làm phim. 

Mà cũng may, là khi trao giải cho những nhà làm phim này, không có ban giám khảo nào chú ý đến cái dòng bé tí như nó vẫn thường xuất hiện trên generique của các nhà làm phim Châu Âu, cái dòng bé tí hiện thị sự ủng hộ để một nền điện ảnh phát triển và trở thành sứ giả sang trọng cho một nền văn hoá, một quốc gia và cái tên Việt nam vẫn làm cả người nhận giải lẫn người chứng kiến rưng rưng.

Phạm Thiên Ân trả lời phỏng vấn của tôi rằng: "Khi làm phim, tôi nghĩ sẽ hướng đến khán giả quốc tế chính vì thế trong phim tôi chú trọng đến những yếu tố văn hoá và phong cảnh Việt Nam", "phim của tôi được làm bởi những người Việt Nam, bạn bè tôi, gia đình, chính vì thế tôi muốn nó phải luôn gắn mác Việt Nam".

Vâng, thật vui là nó được gắn mác Việt Nam khi có hai nhà đầu tư hợp tác khác là Singapore và Pháp và may mắn hơn nữa là nó cho thấy sự tìm tòi của tác giả trong một ngôn ngữ điện ảnh độc đáo, dũng cảm khiến Bên trong ổ kén vàng có thể cuốn người xem đi cùng nó suốt hành trình 182 phút đầy ma mị mà không bật ghế đứng dậy, hoặc lịm đi trong sự sốt ruột. Khiến người ta tiếp tục nghĩ về nó, băn khoăn và tranh cãi về nó…

Trần Anh Hùng thì thổ lộ trong buổi họp báo rằng phim "Sự đam mê của Dodin Bouffant" của anh là để bày tỏ tình yêu với nước Pháp. Vầng rõ ràng rồi, anh đã bày tỏ tình yêu với văn hoá và ẩm thực Việt Nam ngay từ bộ phim dài đầu tay được giải thưởng Camera vàng tại Cannes vào năm 1993 – Mùi đu đủ xanh, thì bây giờ sự bày tỏ này cho nước Pháp là thật ân tình. Tuy thế, "nhà làm phim Pháp - Việt" vẫn luôn là xướng danh của Trần Anh Hùng mỗi khi anh bước trên thảm đỏ và ngay cả khi cầm giải thưởng để phóng viên chụp ảnh.

Vậy là, thật may cho diện mạo của điện ảnh Việt Nam khi vẫn có những người yêu nó đến thế.

Kệ cả nỗi cô đơn trong hành trình. Chỉ tin vào cái đẹp mang tên gọi điện ảnh.

Niềm hy vọng được thế giới biết đến cũng mang tên gọi điện ảnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem