Những sản vật nào của núi rừng Đông Giang được gắn sao OCOP?

28/08/2022 16:23 GMT+7
Với quyết tâm thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thời gian qua huyện Đông Giang (Quảng Nam) đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Ông Avô Tô Phương – Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, kể từ khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình OCOP, huyện Đông Giang đã từng bước thực hiện các khâu triển khai, tập huấn, lựa chọn sản phẩm, phối hợp với các cơ sở sản xuất kinh doanh nâng cấp chất lượng, mẫu mã, đáp ứng các tiêu chí bắt buộc của chương trình.

Những sản vật nào của núi rừng Đông Giang được gắn sao OCOP - Ảnh 1.

Sản phẩm dệt khăn choàng thổ cầm của tổ hợp tác thổ cẩm thôn A Reh- Đhơrôông xã Tà Lu, huyện Đông Giang đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận OCOP 3 sao. Ảnh: Trần Hậu.

Giai đoạn 2018 - 2021 huyện Đông Giang đã có 13 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt 3 sao trở lên (1 sản phẩm đạt 4 sao là chè dây ZaReh xã Tư); ớt A Riêu muối của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp xã Mà Cooih; chè dây hoa hồng, trà hoa hồng, chè dây Za Reh, chè dây Za Reh túi lọc của Hợp tác xã nông lâm nghiệp xã Tư và Hộ kinh doanh ông Phạm Quốc Phòng thôn Pa nan xã Tư; rượu Tà Vạc của hộ kinh doanh ông Đinh Văn Đới thôn Ra Đung, xã A Ting.

Những sản vật nào của núi rừng Đông Giang được gắn sao OCOP - Ảnh 2.

Đông Giang thường xuyên tổ chức các hội chợ kích cầu, quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương. Ảnh: Alăng Ngước.

Các sản phẩm làng nghề truyền thống Cơ Tu như mâm mây của tổ du lịch cộng đồng thôn Bhơhôông xã Sông Kôn; túi xách, khăn choàng thổ cầm của tổ hợp tác thổ cẩm thôn A Reh- Đhơrôông xã Tà Lu; rượu Ka Kun của hộ kinh doanh Thu Thảo và Hoàng Oanh tại thị trấn Prao; trà xanh, trà Oloong của Công ty Cổ phần nông lâm nghiệp Quyết Thắng Quảng Nam...

Ông Phương cho biết thêm, để đạt được kết quả trên huyện Đông Giang đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Thời gian qua, huyện cũng đã kiện toàn, hoàn thiện và vận hành hiệu quả hệ thống tổ chức thực hiện Chương trình OCOP từ huyện đến xã, đến các chủ thể tham gia chương trình, nhằm hỗ trợ các tổ chức kinh tế cộng đồng phát triển và thương mại hóa sản phẩm truyền thống.

Những sản vật nào của núi rừng Đông Giang được gắn sao OCOP - Ảnh 3.

Điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP huyện Đông Giang do cơ sở Hoàng Oanh thiết lập. Ảnh: Khải Khiêm – Quảng Nam.

Bên cạnh đó, địa phương cũng tạo điều kiện hướng dẫn trực tiếp khâu hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP cho các chủ thể tham gia chương trình; đưa chủ thể tham dự các lớp tập huấn, hướng dẫn do tỉnh tổ chức; trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ thương mại để quảng bá thế mạnh, tiềm năng cũng như tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Năm 2022, Đông Giang tiếp tục hoàn thiện chất lượng sản phẩm để có thêm 6 sản phẩm mới công nhận 3 sao trở lên gồm tinh bột nghệ đen (2 sản phẩm), khay trà, trà hoa hồng túi lọc; măng nứa khô, chuối mốc ép dẻo, sâm cau khô và nâng cấp 1 sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao cấp tỉnh là sản phẩm ớt A Riêu muối của Hợp tác xã nông lâm nghiệp Mà Cooih; phấn đấu đến năm 2025 huyện Đông Giang có ít nhất 30 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh trở lên.

Trần Hậu - Đoàn Hồng
Cùng chuyên mục