Nike-Amazon chia tay và bài học cho doanh nghiệp Việt

19/11/2019 15:19 GMT+7
Trên sàn thương mại điện tử Amazon, các sản phẩm thuộc hãng Nike đã hoàn toàn vắng mặt. Thương hiệu sản xuất đồ thể thao sẽ ngừng bán trực tiếp các loại giày và quần áo trên Amazon, kết thúc một chương trình thí điểm bắt đầu từ năm 2017.

Thỏa thuận hợp tác giữa 2 bên tưởng chừng như đánh dấu một thời điểm trọng đại trong ngành bán lẻ khi ngay đến một thương hiệu đồ thể thao đình đám cũng không thể làm ngơ trước sức mạnh của ông lớn thương mại điện tử Amazon.

Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau hai hãng lớn này đã "đường ai nấy đi". Việc chủ động chia tay Amazon cho thấy công ty này còn mạnh tay hơn nữa sau khi họ không còn phụ thuộc vào sự trợ giúp của Amazon trong doanh số thương mại điện tử.

Nike-Amazon chia tay và bài học cho doanh nghiệp Việt  - Ảnh 1.

Thông cáo báo chí từ Nike: "Nike muốn tập trung nâng cao trải nghiệm khách hàng qua những mối quan hệ trực tiếp và cá nhân hơn. Chúng tôi quyết định kết thúc chương trình thí điểm hiện tại với Amazon Retail. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào các mối quan hệ đối tác cho Nike với những nhà và nền tảng bán lẻ khác để phục vụ khách hàng không ngừng nghỉ".

Đây có thể là một tổn thất với Amazon khi thương hiệu Nike đóng góp gần 35 tỷ USD, chiếm 15% tổng doanh thu bán hàng của Amazon trong năm 2018.

Nguyên nhân cho sự ra đi này là do Nike đã cảm thấy thất vọng trong việc hợp tác với Amazon. Bởi hãng đã không hề nhận được những quyền lợi độc quyền nào cũng như không có khả năng kiểm soát các sản phẩm Nike được rao bán trên trang thương mại này khi Amazon vẫn cho phép các bên thứ 3 bán sản phẩm có thương hiệu Nike mà trong đó có nhiều trường hợp các sản phẩm rao bán là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Đây cũng chính là lý do khiến một số thương hiệu lớn có thể cũng lánh xa nền tảng bán hàng của Amazon.

Các doanh nghiệp và sự nhìn nhận thực tế

Trong nhiều năm, đồ của Nike được bán trên Amazon chỉ là hàng giả, hàng nhái có giá thành thấp hơn và được rất nhiều người bán. Nike có rất ít quyền kiểm soát đối với việc các sản phẩm này hiện ra trên trang, thông tin về sản phẩm như thế nào và liệu sản phẩm đó có đúng là đồ thật hay không.

Tại Việt Nam, nhiều trang thương mại điện tử lớn như Lazada, Tiki, Sendo,… đều thiếu một sự kiểm soát hàng hóa chặt chẽ. Phần lớn người tiêu dùng tìm đến các trang thương mại điện tử này vì giá thành rẻ hơn thị trường. Việc này sẽ vô tình "cổ vũ" cho hàng giả ckhiến các doanh nghiệp "thật" khó kiểm soát sản phẩm của mình. Những bên thứ 3 vừa bị xoá khỏi trang, thì ngay lập tức sẽ "trồi" lên với các tên khác. Hơn nữa, các sản phẩm chính hãng thường không có nhiều đánh giá, do đó khả năng tiếp cận với khách hàng bị hạn chế.

Nike-Amazon chia tay và bài học cho doanh nghiệp Việt  - Ảnh 2.

Quay trở lại sự việc trên, James Thomson, một cựu nhân viên của Amazon, cho biết rằng việc rời khỏi nền tảng của Amazon cũng không giúp Nike giải quyết được vấn đề của họ - một ví dụ điển hình của việc một thương hiệu lớn đang gặp khó khăn để "thích nghi" với việc bán sản phẩm trong thời đại số. Điều này cho thấy một thực tế rằng, để tồn tại và kinh doanh lâu dài trên sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp không chỉ cần "mạnh" mà còn cần một chiến lược phát triển lâu dài và thông minh để tự bảo vệ được thương hiệu của mình. 

Mai Trang
Cùng chuyên mục