Nối dài hệ sinh thái giao vận xanh
Với khoảng 3 triệu xe đạp, xe máy điện đang lưu hành, thị trường Việt Nam được đánh giá là lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất (khoảng 30 - 35% năm 2022) trong các quốc gia ASEAN, đồng thời xếp thứ hai trên toàn cầu.
Sự nhập cuộc gần đây của nhiều nhà sản xuất trong nước như: VinFast, Selex Motors, Dat Bike, hay Evgo đã bắt đầu "hâm nóng" thị trường xe máy điện.
Bên cạnh đó, thị trường xe máy điện Việt Nam còn được thúc đẩy bởi chủ trương xanh hóa các phương tiện giao thông, vận tải từ phía cơ quan quản lý.
Thực tế, Việt Nam là một trong số các quốc gia có tỉ lệ người dân sử dụng xe máy xăng cao nhất. Việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ xe máy xăng sang điện có thể xem là phương án trực quan và có tác động rõ nhất.
Không chỉ có các nhà sản xuất trong nước, mà cả các siêu ứng dụng cũng đang tích cực tham gia vào việc đẩy nhanh quá trình xanh hóa này. Lần lượt các ứng dụng giao vận như: Grab, Gojek, Baemin đều đã thử nghiệm và công bố các hợp tác thúc đẩy tài xế chuyển đổi từ xe máy xăng truyền thống sang điện.
Bên cạnh yếu tố công nghệ liên quan tới việc nạp năng lượng cho xe máy điện, một trong những rào cản mà các ứng dụng gọi xe đang gặp phải đó là chi phí chuyển đổi ban đầu.
Chi phí này bao gồm việc thuyết phục các tài xế chuyển đổi sang xe máy điện, chi phí xây dựng hệ sinh thái ba bên gồm: nhà sản xuất xe máy điện, ngân hàng tài trợ vốn chuyển đổi, cũng như đơn vị chấp nhận bảo hiểm xe máy điện.
Ông Jinwoo Song - CEO Baemin Việt Nam cho rằng, chỉ khi nào các ứng dụng gọi xe xây dựng được hệ sinh thái ba bên xoay quanh xe máy điện, thì khi đó các hoạt động vận tải, giao hàng, giao đồ ăn bằng xe máy điện mới thực sự phổ biến.
"Giá thành xe máy điện hiện tại vẫn tương đối cao so với thu nhập của tài xế, nên chúng tôi mong muốn hệ sinh thái này sẽ phần nào hỗ trợ tài xế trong việc sử dụng xe điện, chẳng hạn như cung cấp những gói vay ưu đãi dành riêng cho tài xế Baemin khi họ có nhu cầu đổi sang xe điện", ông Jinwoo Song chia sẻ.
Theo CEO Baemin Việt Nam, quá trình chuyển đổi xe máy xăng sang điện với các ứng dụng gọi xe sẽ bao gồm ba bước. Đầu tiên là tiến hành thử nghiệm, nhằm mục đích khảo sát và lấy ý kiến đánh giá từ các tài xế khi sử dụng xe máy điện để giao đơn hàng.
"Tới giai đoạn thứ hai, chúng tôi tiến hành đánh giá toàn diện và tối ưu hóa quy trình, nhằm đảm bảo quá trình hoạt động đáp ứng được cả hai tiêu chí: hiệu quả bền vững và tiết kiệm chi phí. Đồng thời Baemin cũng cân nhắc các chương trình ưu đãi, hỗ trợ của đối tác sản xuất với tài xế, trước khi chính thức lựa chọn đối tác", ông Jinwoo Song nói.
Ở giai đoạn cuối, Baemin mong muốn hoàn thiện một hệ sinh thái xe máy điện toàn diện, với các bên tham gia gồm: ngân hàng, bảo hiểm, và các nhà sản xuất xe điện.
Hiện Baemin Việt Nam đã tiến giai đoạn hai của quá trình chuyển đổi. Gần đây, công ty đã triển khai chương trình cho tài xế thuê xe máy điện Dat Bike với mức giá ưu đãi 32.400 đồng/ngày.
Đại diện doanh nghiệp này cho rằng, việc hỗ trợ giá thuê xe ưu đãi dành cho tài xế có thể coi như hình thức trả góp, thay vì phải trả một khoản lớn từ đầu để sở hữu xe máy điện.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình chuyển đổi xanh, ông Jinwoo Song cho biết: "Thách thức lớn nhất đối với chúng tôi là việc thay đổi hành vi của khách hàng và đối tác. Hiện nay ở Việt Nam, nhu cầu sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường chưa phải quá lớn, bởi lẽ đây là các sản phẩm có giá thành cao và chưa mang lại nhiều lợi ích kinh tế, trong khi giá cả vẫn là yếu tố chi phối hàng đầu".
Mặt khác, việc ứng dụng xe máy điện theo CEO Baemin Việt Nam mang đến những hiệu quả kinh tế rõ ràng. Với đối tác tài xế, việc sử dụng xe máy điện được chứng minh là giúp tiết kiệm được 1 khoản chi phí đổ xăng. Xe điện cũng dễ bảo dưỡng hơn so với xe xăng truyền thống.
"Đối với doanh nghiệp, chúng tôi có thể giảm thiểu chi phí vận hành nếu thành công cung cấp xe máy điện cho đội ngũ tài xế theo quy mô lớn, qua đó thúc đẩy hệ sinh thái hướng tới phát triển bền vững và bảo vệ môi trường", ông Jinwoo Song nhấn mạnh.
Hiện duy nhất Be Group chưa công bố dịch vụ gọi xe bằng xe máy điện. Tuy nhiên, dịch vụ này gần như chắc chắn sẽ có mặt trên ứng dụng Be trong tương lai, sau khi Be Group nhận đầu tư từ Công ty Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) vào tháng 3/2023.
Trường hợp của GSM khá thú vị, khi đây là một công ty mới thành lập do ông Phạm Nhật Vượng nắm giữ 95% cổ phần. Mục tiêu của GSM là cung cấp dịch vụ cho thuê ô tô, xe máy điện và dịch vụ taxi VinFast.
Không chỉ đứng ở vai trò cho thuê, GSM còn dự kiến cung cấp cả dịch vụ gọi xe máy điện ngay trong tháng 8/2023 với tên gọi Xanh SM Bike. CEO GSM - ông Nguyễn Văn Thanh tin rằng, xe máy điện sẽ thay đổi "cuộc chơi" tại thị trường gọi xe Việt Nam.
Thực tế, trong khoảng 4 năm trở lại đây, thị trường gọi xe Việt Nam không có nhiều biến động về mặt thị phần - nhất là khi nhóm các doanh nghiệp dẫn đầu luôn là: Grab, Be, Gojek. Tân binh góp mặt gần nhất là Baemin.
Theo báo cáo của ABI Research trong nửa đầu năm 2020, Grab là ứng dụng chiếm thị phần số một - lên tới 74,6%, với với việc hoàn tất 62,5 triệu cuốc xe. Ứng dụng Be nắm giữ vị thế số 2 với thị phần 12,4%, còn Gojek là 12,3%.
Sau đó khoảng một năm, chênh lệch thị phần giữa Grab Việt Nam và các ứng dụng khác dần được thu hẹp. Khảo sát của Q&Me công bố vào tháng 6/2021 cho thấy, Grab chỉ còn chiếm khoảng 60% thị phần gọi xe, Gojek chiếm 19%, và ứng dụng Be là 18%.
Do đó, để thay đổi "cuộc chơi" - hay chiếm lĩnh thị phần gọi xe vốn đã được phân chia sẵn chắc chắn sẽ là thách thức với một tân binh như Xanh SM.
"Việc có thêm xe máy điện giúp Xanh SM trở thành nền tảng đầu tiên trên thế giới thuần điện 100% với các dịch vụ từ xe ôm, giao hàng, cho thuê, taxi là một lợi thế, vì chúng tôi bắt đầu từ đầu và đồng nhất chất lượng từ dịch vụ tới phương tiện thay vì chuyển dịch", CEO GSM nói.
Theo ông Thanh, lợi thế của Xanh SM là phát triển hệ sinh thái dịch vụ xe điện từ đầu, thay vì dịch chuyển từ xe xăng sang xe điện như các ứng dụng lớn trên thế giới như: Grab, Uber, Gojek, Kakao Mobility, Didi hay Ola.