Nông dân Khánh Hòa mạnh dạn đầu tư vốn để chuyển đổi cây trồng

22/01/2021 16:23 GMT+7
Nhiều hộ nông dân tỉnh Khánh Hòa đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích không chủ động nước hoặc những cây trồng hiệu quả thấp sang trồng các cây trồng có giá trị như: Xoài, sầu riêng, bưởi da xanh, mít, mãng cầu,…

Ngành nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong thời gian qua bà con nông dân trên địa bàn đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích không chủ động nước hoặc những cây trồng hiệu quả thấp sang trồng các cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Xoài, sầu riêng, bưởi da xanh, mít, mãng cầu,…

Nông dân Khánh Hòa mạnh dạn đầu tư vốn để chuyển đổi cây trồng - Ảnh 1.

Bà con nông dân của TP.Cam Ranh, Khánh Hòa đang mạnh dạn đầu tư vốn để trồng và chăm sóc mãng cầu dai

Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp Khánh Hòa cho biết, trong năm qua người dân chủ yếu tập trung chăm sóc, canh tác diện tích cây ăn quả. Sản lượng bưởi da xanh đạt 1084,7 tấn, xoài đạt 38.300 tấn, sầu riêng đạt 5.024 tấn, bưởi đạt 1.642 tấn, nhóm các loại quả có múi thuộc họ cam, quýt 170 tấn.

Theo báo cáo của Sở NNPTNT, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 651 ha với tổng kinh phí 36.803 triệu đồng (ngân sách tỉnh 15.950 triệu đồng, vốn đối ứng 20.853 triệu đồng).

Trong đó, chuyển đổi 125 ha đất lúa kém hiệu quả, không chủ động nước sang các cây trồng hàng năm khác. Chuyển đổi 526 ha diện tích đất trồng cây hàng năm và cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái.

Nông dân Khánh Hòa mạnh dạn đầu tư vốn để chuyển đổi cây trồng - Ảnh 2.

Ngoài trồng giống mãng cầu dai, bà con còn đầu tư trồng giống mãng cầu Thái có chất lượng cao

Một số cây trồng có diện tích chuyển đổi lớn như: huyện Khánh Vĩnh, Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa chuyển đổi sang trồng bưởi 130 ha, sầu riêng 257 ha, xoài 80 ha, mít 17 ha, dừa 27 ha… Việc thực hiện đề án chuyển đổi cây trồng đã hình thành các vùng sản xuất có giá trị kinh tế cao, nâng cao hiệu quả sản xuất và thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay.

Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tập trung triển khai đề án chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển những cây, con mà địa phương có thế mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng khoa học công nghệ, nhất là đưa các giống mới có năng suất, chất lượng, giảm giá thành, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.


Công Tâm
Cùng chuyên mục