Nông dân không có phần trong lãi khủng của doanh nghiệp kinh doanh lợn
Phải qua giới thiệu và trực tiếp chủ tịch một xã ở huyện Việt Yên, Bắc Giang đưa đi, PV Tiền Phong mới có thể tiếp cận được trang trại nuôi lợn của ông V.T.C. Ông C hẹn đến một nhà người thân cách khá xa trang trại để trò chuyện. “Tôi nuôi lợn gia công cho công ty nên yêu cầu phòng chống dịch bệnh rất nghiêm ngặt và không muốn tiếp xúc với người lạ”, ông C mở đầu câu chuyện.
Ông C cho biết, hơn 10 năm nay, ông nhận nuôi gia công lợn cho Công ty C.P. Việt Nam (là thành viên của C.P. Thái Lan, 100% vốn nước ngoài). Hiện nay, trang trại của ông nuôi khoảng 1.500 con lợn thịt. Cả xã có 2 người nuôi gia công lợn cho công ty này, ông nuôi lợn thịt, còn người kia nuôi lợn nái.
Lúc mới đầu nhận nuôi gia công lợn, ông và công ty ký kết hợp đồng trong 5 năm. Sau đó, hợp đồng ký mỗi năm một lần. Thời điểm trước dịch tả lợn châu Phi, mỗi kg lợn khi xuất chuồng, ông được công ty trả 3.500 đồng. Ông bỏ chi phí xây dựng chuồng trại, công nuôi và tiền điện. Hiện nay, ông được công ty trả 4.000 đồng/kg thịt lợn xuất chuồng.
Dù thịt lợn tăng giá cao trong thời gian qua, những người nuôi gia công như ông C vẫn không được hưởng lợi mà người thực sự được thụ hưởng là công ty chăn nuôi. “Chúng tôi ký hợp đồng với công ty, bởi vậy, thịt lợn có tăng hay giảm giá bao nhiêu, tôi vẫn nhận được 4.000 đồng/kg lợn xuất chuồng”, ông C cho hay.
Ông C cho biết thêm, anh trai ông có trang trại nuôi lợn thuộc loại lớn nhất nhì huyện Việt Yên (Bắc Giang) với khoảng 7.500 con lợn thịt. Cũng giống như ông, trước kia trang trại của anh trai ông nhận nuôi gia công lợn cho Công ty C.P Việt Nam. Ba năm gần đây, anh trai ông chuyển sang cho thuê trang trại. Mỗi dãy chuồng, công ty thuê với giá 16 triệu đồng. “Dù giá thịt lợn tăng cao trong thời gian qua, anh em chúng tôi cũng không được lợi gì”, ông C nói.
Ông Nguyễn S ở huyện Tiên Du, Bắc Ninh cho biết, năm 2017, ông đầu tư khoảng 6 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại nuôi lợn. Tuy nhiên, thời điểm đó giá lợn giảm sâu, rồi đến dịch tả lợn châu Phi đã làm ông thua lỗ khoảng 4 tỷ đồng. Thời điểm lợn bắt đầu tăng giá, ông rất muốn tái đàn nhưng không còn vốn.
Theo tính toán của ông, hiện tại nuôi 1.000 con lợn thịt đến khi xuất chuồng phải mất chi phí khoảng 7 tỷ đồng. Để không bỏ phí trang trại và có tiền trả nợ, ông chọn giải pháp cho tập đoàn Dabaco thuê trang trại để nuôi lợn. Theo ông S, tập đoàn này trả cho ông 35.000 đồng/m2 chuồng trại.
“Hiện tại trang trại của tôi đang nuôi khoảng 1.000 con lợn cho một tập đoàn. Dù thịt lợn có tăng bao nhiêu, tôi cũng không được trả thêm tiền”, ông S cho hay.
Nông dân đang mất dần địa bàn
PV gọi điện vào số máy của Công ty C.P Việt Nam hỏi về việc nuôi gia công lợn. Đúng như nông dân phản ánh, nhân viên công ty này cho biết, hiện C.P Việt Nam có hai hình thức người nuôi lợn hợp tác với công ty: Nuôi gia công hoặc cho C.P thuê lại chuồng trại. Nếu là nuôi gia công, nông dân cũng không có quyền quyết định về giá, chỉ được trả tiền công theo số lượng cân lợn xuất chuồng và mỗi khu vực có mức trả khác nhau.
Sau đó, nhân viên này giới thiệu số điện thoại cho cán bộ phụ trách khu vực miền Bắc và phụ trách tỉnh để trao đổi thông tin cụ thể. Theo cán bộ của công ty này, người nuôi gia công lợn thịt cho công ty được trả với giá 4.400 đồng/kg lợn xuất chuồng.
“Dù thịt lợn tăng hay giảm, người nuôi vẫn nhận tiền nuôi gia công theo giá trên. Hợp đồng nuôi gia công lợn ký lần đầu có thời hạn 5 năm. Sau đó, hợp đồng nuôi gia công lợn ký theo năm”, nhân viên này nói.
Với cách thức nêu trên, hầu hết đàn lợn hầu hết đều nằm trong tay các doanh nghiệp lớn, dù trang trại là của nông dân. Lãnh đạo xã ở huyện Việt Yên (Bắc Giang) nêu trên cho hay, tổng đàn lợn trong xã này khoảng 11.000 con, trong đó 3 trang trại nuôi gia công và cho công ty chăn nuôi thuê nuôi khoảng 10.000 con (chiếm hơn 90% tổng đàn lợn).
Ông Nguyễn Huy Ngà, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tiên Du (Bắc Ninh) cho biết, hiện tại tổng đàn lợn của huyện này khoảng 91.000 con. Trong đó, có hơn 70.000 con được nuôi gia công hoặc trong các trang trại do các công ty sản xuất thức ăn và chăn nuôi lớn thuê nuôi.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Ninh, trước dịch tả lợn châu Phi, tỉnh này có hơn 392.000 con lợn, trong đó, số lợn nuôi trong các hộ nhỏ lẻ chiếm khoảng 60%, còn lại là lợn của các doanh nghiệp, công ty chăn nuôi trong và ngoài nước.
Sau dịch, các hộ nuôi lợn nhỏ lẻ tái đàn chỉ đạt khoảng 50% so với trước dịch. Đối với các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, như Công ty CP Việt Nam, Tập đoàn Dabaco…công suất chăn nuôi đạt 100%.
“Theo tìm hiểu từ những người nuôi lợn trong tỉnh, nguồn lợn thịt cung cấp ra thị trường phần lớn từ các công ty sản xuất thức ăn và chăn nuôi lợn lớn trong và ngoài nước. Bởi vậy, có thể những công ty này được hưởng lợi từ việc thịt lợn tăng giá thời gian qua”, đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Ninh nói.