Nông dân lao đao vì giá phân bón tăng kỷ lục, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên nói gì?

13/11/2021 07:53 GMT+7
So với cùng kỳ năm 2020, giá phân bón nhập khẩu đã tăng 1,5 lần và lên mức cao nhất trong hai năm. Giá phân bón tăng kỷ lục khiến nông dân lao đao vì sản xuất không còn lợi nhuận, thậm chí thua lỗ nặng.

Giá phân bón tháng 10 tăng 1,5 lần

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu phân bón trong tháng 10 của Việt Nam đạt 376 nghìn tấn, tương đương 148 triệu USD, tăng 45% về lượng, tăng 68,5% về giá trị so với tháng trước đó.

Lũy kế 10 tháng đầu năm, nhập khẩu phân bón đạt 3,8 triệu tấn, tương đương 1,1 tỷ USD, tăng 20% về lượng và 47% so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc đạt 1,6 triệu tấn, tương đương 490 triệu USD, tăng 30% về lượng, tăng 65% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 45% sản lượng phân bón nhập khẩu của Việt Nam.

Cụ thể, giá phân bón nhập khẩu trong tháng 10 đạt 393 USD/tấn, tăng 50% so với tháng 1 và tăng 1,5 lần so với tháng 10/2020.

Tính chung 10 tháng, giá phân bón nhập khẩu đạt 301 USD/tấn, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá phân bón thế giới đạt mức cao kỷ lục trong vòng gần10 năm trở lại đây. Diễn biến giá urea trên thị trường thế giới có những thay đổi đột ngột và biến động rất nhanh trong thời gian qua do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố: khủng hoảng khí đốt tại châu Âu; giá dầu, giá khí tăng mạnh khiến giá nguyên liệu sản xuất ure tăng cao hơn so với thời gian trước; Giá cước vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng đến giá bán ure tới người tiêu dùng ở các nước nhập khẩu.

Giá phân bón tăng phi mã đang gây áp lực lớn cho vụ đông xuân 2021-2022. Trước đây, chi phí cho phân bón chiếm khoảng 24% tổng chi phí sản xuất lúa, với việc giá tăng liên tục, có thời điểm, chi phí cho phân bón có thể đã tới 40%.

Giá phân bón, thuốc bảo vệ đua nhau tăng, nông dân đầu tư cầm chừng

Trên báo chí, ông Trần Quang, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến (xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc, Đồng Nai) so sánh, phân DAP hiện có giá 1,3 triệu đồng/bao 50kg trong khi cùng kỳ năm ngoái giá chỉ có 680 ngàn đồng; Urê trước đây giá chỉ 360 ngàn đồng/bao thì nay đã vượt quá 800 ngàn đồng/bao…

Giá các loại thuốc bảo vệ thực vật cũng “leo thang” chưa từng có, bình quân ở mức vài chục phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng những loại thuốc nông dân sử dụng nhiều có khi tăng gấp đôi so với trước. 

Cả vụ sản xuất vất vả nhiều tháng trời nhưng nông dân hầu như không có đồng lời, thậm chí lỗ vốn vì giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao chiếm hết lợi nhuận của nông dân. Nông dân trồng lúa càng lao đao hơn vì ngay đầu vụ thu hoạch, giá lúa đã giảm sâu, hiện dao động từ 4,5-5 ngàn đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 1 ngàn đồng/kg.

Ông Nguyễn Thanh Hồng, nông dân trồng rau tại xã Suối Cát (H.Xuân Lộc) xót xa, chưa bao giờ nông dân gặp khó khăn như hiện nay vì đầu ra các mặt hàng rau ăn lá rất bấp bênh với giá bán thường thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trong khi đó, chi phí đầu vào tăng quá cao, nhất là giá phân bón tăng cao chưa từng có, nhiều loại phân bón tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu không có giải pháp quản lý, kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp, nông dân sẽ khó đảm bảo được hoạt động sản xuất vì càng làm càng thua lỗ.

Giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng chưa có điểm dừng trong khi nông sản rơi vào cảnh rớt giá cũng là nỗi lo chung của nông dân trồng cây ăn trái. Bà Nguyễn Thị Oanh, nông dân trồng thanh long ở xã Hưng Thịnh (H.Trảng Bom) lo lắng, suốt những tháng thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, giá thanh long bán tại vườn có lúc chỉ được 1-2 ngàn đồng/kg, thậm chí cho không vì không có thương lái thu mua. Hiện nay, giá thanh long tăng lên hơn 10 ngàn đồng/kg nhưng vẫn thấp hơn giá thành sản xuất đang bị đội lên rất nhiều do giá phân bón, thuốc bảo vệ tăng cao chưa từng có. Nhiều nông dân hiện chỉ đầu tư cầm chừng vì e ngại thua lỗ.

Sẽ có giải pháp bình ổn giá phân bón

Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV,  Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa nhận, tình trạng giá phân bón, vật tư nông nghiệp vẫn tăng cao là do giá nguyên liệu đầu vào (chủ yếu nhập khẩu) và chi phí vận tải, logistics tăng cao do đại dịch.

Mặt hàng phân bón cũng không thuộc danh mục chịu thuế VAT nên các nguyên, vật liệu đầu vào không được khấu trừ thuế, đã làm tăng giá thành sản phẩm, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng phân bón của thế giới cũng tăng cao do đứt gẫy chuỗi cung ứng.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, đây là lĩnh vực luôn được Bộ Công Thương quan tâm, chú trọng chỉ đạo các đơn vị chức năng theo dõi, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để  kịp thời đề xuất, áp dụng nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ nông dân sản xuất có lãi, qua đó nâng cao đời sống ở khu vực nông thôn.

Về giải pháp cho thực trạng giá phân bón leo thang, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp tốt hơn với các bộ, ngành, địa phương để có các giải pháp hiệu quả hơn. Trong đó có việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm; đề xuất Chính phủ, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật thuế GTGT để mặt hàng phân bón được bổ sung vào danh mục chịu thuế VAT giúp cho mặt hàng này có cơ hội giảm giá và nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước.

Theo Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan, trong bối cảnh vật tư nông nghiệp tăng cao, giá nông sản giảm, người nông dân suy nghĩ, đắn đo có nên sản xuất tiếp hay không. Đây là việc rất nguy hiểm tới an ninh lương thực quốc gia và phát triển của địa phương, đất nước. Đề nghị Bộ Công thương có giải pháp để hạ giá phân bón.



An Vũ
Cùng chuyên mục