Nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn

29/08/2020 13:34 GMT+7
Vụ lúa hè thu năm nay cả nước gieo cấy được 1.945,4 nghìn ha, giảm 64,1 nghìn ha so với vụ hè thu năm trước do ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn

Tính đến ngày 15/8, cả nước gieo cấy được 1.447,2 nghìn ha lúa mùa, bằng 99% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 1.047,2 nghìn ha, bằng 98,5%; các địa phương phía Nam đạt 400 nghìn ha, bằng 100,3%. Diện tích gieo cấy lúa mùa ở các địa phương phía Bắc giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do đầu vụ nắng nóng kéo dài và do chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ. 

Trong tháng, mặc dù lượng mưa lớn, tập trung nhưng các địa phương đã chủ động bơm, tiêu nước đệm kịp thời nên không gây ngập úng cục bộ, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, trên các trà lúa đang bắt đầu xuất hiện rải rác một số loại sâu bệnh gây hại nhẹ như sâu cuốn lá nhỏ, khô vằn. Các địa phương cần tăng cường công tác phòng trừ sâu bệnh, không để lây lan trên diện rộng ảnh hưởng đến kết quả sản xuất toàn vụ.

Nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn - Ảnh 1.

Nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn

Vụ lúa hè thu năm nay cả nước gieo cấy được 1.945,4 nghìn ha, giảm 64,1 nghìn ha so với vụ hè thu năm trước do ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn; riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long giảm 44,1 nghìn ha. 

Tính đến trung tuần tháng Tám, cả nước thu hoạch được 942,4 nghìn ha lúa hè thu, chiếm 48,4% diện tích gieo cấy và bằng 88,8% cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 875,1 nghìn ha, chiếm 57,4% diện tích xuống giống và bằng 87,7% cùng kỳ năm trước. 

Theo báo cáo của các địa phương, lúa hè thu năm nay được mùa với năng suất ước tính đạt 55,3 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha so với vụ hè thu năm 2019 nhưng do diện tích gieo cấy giảm nên sản lượng toàn vụ ước tính đạt 10,76 triệu tấn, giảm 184,8 nghìn tấn. 

Một số địa phương sản lượng giảm nhiều so với vụ hè thu năm trước do diện tích giảm là: Tiền Giang giảm 89,3 nghìn tấn; Đồng Tháp giảm 34,8 nghìn tấn; Vĩnh Long giảm 13,8 nghìn tấn; Cần Thơ giảm 12,8 nghìn tấn.

Đến trung tuần tháng Tám, vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống được 355,7 nghìn ha lúa thu đông, bằng 99,2% cùng kỳ năm trước. Năm nay có tháng nhuận và do ảnh hưởng xâm nhập mặn nên tiến độ xuống giống chậm hơn cùng kỳ năm trước. Hiện nay, lúa thu đông chủ yếu ở giai đoạn làm đòng đến chắc xanh, sinh trưởng và phát triển khá tốt. 

Để hạn chế ảnh hưởng của lũ, giảm tỷ lệ hao hụt xuống mức thấp nhất, các địa phương cần tăng cường khuyến cáo người dân chỉ nên sản xuất lúa thu đông ở những nơi có hệ thống thủy lợi nội đồng hoàn chỉnh, chủ động ngăn được lũ hoặc tiêu thoát nước tốt, đồng thời thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ sâu bệnh.

Tính đến ngày 15/8, các địa phương trên cả nước gieo trồng được 833,6 nghìn ha ngô, bằng 97,4% cùng kỳ năm trước; 94,1 nghìn ha khoai lang, bằng 93,2%; 153,4 nghìn ha lạc, bằng 96,8%; 37,1 nghìn ha đậu tương, bằng 92,8%; 914,5 nghìn ha rau đậu, bằng 98,5%.

Chăn nuôi trâu, bò trong tháng nhìn chung ổn định. Chăn nuôi gia cầm phát triển khá. Chăn nuôi lợn đang dần được khôi phục sau dịch tả lợn châu Phi nhưng công tác tái đàn còn chậm do giá con giống vẫn ở mức cao (khoảng 2,5 triệu đồng/con đến hơn 3,0 triệu đồng/con), các hộ chăn nuôi không có đủ nguồn lực để đầu tư tái đàn sau thời gian dài bị thiệt hại vì dịch bệnh, việc tái đàn chủ yếu ở các cơ sở chăn nuôi lớn. 

Ước tính trong tháng Tám, tổng số trâu của cả nước giảm 2% so với cùng thời điểm năm 2019; tổng số bò tăng 3%; tổng số lợn giảm 4%; tổng số gia cầm tăng 4,5%.

Tính đến ngày 25/8/2020, cả nước không còn dịch tai xanh; dịch cúm gia cầm còn ở Kon Tum, Đắk Lắk, Khánh Hòa; dịch lở mồm long móng còn ở Cao Bằng, Quảng Trị, Kon Tum, Đồng Nai và dịch tả lợn châu Phi còn ở 181 xã của 19 địa phương chưa qua 21 ngày.

Ngọc Lâm
Cùng chuyên mục