Nông nghiệp châu Âu khủng hoảng nhân lực vì đại dịch Covid-19
Mỗi mùa thu hoạch, trung bình Đức trung bình thuê 30.000 nhân công, chỉ tính riêng bang Brandenburg đã có tới 5.000 người. Hiện nay chỉ có một nửa số công nhân này đến được Brandenburg làm việc, do nhân công nông nghiệp từ Ba Lan ngần ngại đến Đức khi chính phủ Ba Lan tuyên bố bất cứ ai trở về từ nước khác cũng sẽ bị cách ly 14 ngày.
Đức mới đây tuyên bố nhân công thời vụ từ các quốc gia không thuộc khối EU sẽ không thể nhập cảnh nước này, dù trước đó các chuyên gia kỳ vọng ngành nông nghiệp thu hút gần 300.000 nhân công thời vụ trong năm nay.
Pháp, nơi mùa thu hoạch dâu tây đang đến gần cũng cần 200.000 nhân công trong ba tháng tới, gần 2/3 trong số đó đến từ các quốc gia khác. Hà Lan là quốc gia xuất khẩu nông nghiệp lớn nhất Châu Âu, nhưng hầu hết nhân công nông nghiệp trong các nhà kính ở nước này đến từ Đông Âu, nước này mới đây tuyên bố số lớn nhân công sẽ không thể đến được Hà Lan trong năm nay.
Nhiều ngành công nghiệp có thể tạm hoãn hoạt động, nhưng điều này không thể áp dụng với nền nông nghiệp. Vào ngày 30/3, Cao ủy Châu Âu ban hành chính sách nhằm đảm bảo nhân công trong một số ngành chủ chốt, trong đó có ngành nông nghiệp có thể nhập cảnh đến quốc gia khác. Nhưng nhân công người Bulgary và Romani thường đến các quốc gia Tây Âu bằng cách đi qua Hungary, tuy nhiên nước này đã đóng cửa biên giới với Romania vào giữa tháng Ba. Số khác nếu không gặp hạn chế đi lại, đối mặt với lo ngại cách ly trong 14 ngày khi quay trở lại nước mình sau mùa vụ làm việc. Bởi ở nhà đồng nghĩa với những khó khăn tài chính khác.
Trung tâm môi giới ở Bulgary, nơi gửi 500 nhân công hàng năm đến Đức, Áo và Anh nói rằng không ai muốn rời khỏi nhà mình để đến làm việc ở quốc gia khác. Ở Ba Lan, vấn đề không chỉ nằm ở việc nhân công nước này sẽ mất việc ở những cánh đồng Đức, mà chính nền nông nghiệp Ba Lan cũng phụ thuộc vào nhân công từ Ukraina. Thiếu hụt nhân công đến từ việc Ba Lan đã đóng cửa biên giới với Ukraina từ giữa tháng Ba, trong khi 1,3 triệu nhân công nước này được ước tính làm việc ở Ba Lan trước khi lệnh đóng cửa biên giới được ban hành. Người đứng đầu hội nông dân Ba Lan nói rằng không có những nhân công này, nguồn cung ứng thực phẩm đang đối mặt với rủi ro lớn.
Một số quốc gia hi vọng có thể giảm thiểu thiệt hại nông nghiệp bằng cách để nhân công ở lại làm việc lâu hơn, một khi họ đã đến được những quốc gia này. Bỉ đã gia hạn visa làm việc cho nhân công nông nghiệp nước ngoài, và Đức cũng kéo dài thời hạn làm việc cũng như cho phép nhân công làm việc mà không phải trả thuế an ninh xã hội cho chính quyền địa phương.
Bên cạnh nhân công, việc nhu cầu sụt giảm cũng đưa ngành nông nghiệp vào thế khó. Ở Hà Lan, nhu cầu sụt giảm nghiêm trọng với hoa khiến nhân công trong những cánh đồng hoa không có việc làm, nhiều người chuyển sang làm việc cho trang trại rau củ. Một giải pháp khác bao gồm thuê nhân công địa phương, những người gặp khó khăn tài chính sau lệnh đóng cửa. Đức mở website đăng các thông tin tuyển dụng nông nghiệp và nhận được hàng ngàn nhu cầu từ người lao động.
Website nông nghiệp Pháp cũng nhận được đến 150.000 người đăng ký. Thị trường việc làm online Hà Lan trong lĩnh vực nông nghiệp cũng có đến 2.500 công việc cần lao động. Tuy nhiên, chủ trang trại Châu Âu không đánh giá cao năng suất làm việc của những nhân công “nghiệp dư” này, nhất là so với lao động lành nghề từ các quốc gia Đông Âu.