Nông sản hữu cơ EU dồn dập vào Việt Nam nhờ lợi thế EVFTA

04/03/2023 13:11 GMT+7
Sau khi EVFTA được ký kết và thực hiện, hàng loạt sản phẩm nông sản hữu cơ của các nước châu Âu đã xâm nhập Việt Nam, bước đi của họ là mở cửa thị trường bằng giới thiệu sản phẩm, dùng thử và mở chuỗi cửa hàng, nhận diện thương hiệu.

Theo Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương, từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA) có hiệu lực năm 2020 đến nay, hàng hoá EU tăng tốc vào Việt Nam, trong đó ngoài cơ khí chính xác, máy móc, công nghệ, linh phụ kiện cơ khí công nghệ cao còn có nông sản, sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của các nước như Đức, Pháp, Hy Lạp, một số nước Tây Âu như Phần Lan, Đan Mạch gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam.

Nông sản hữu cơ EU dồn dập vào Việt Nam nhờ lợi thế EVFTA - Ảnh 1.

Ông Albin Deforges, đại diện Hiệp hội nông sản hữu cơ Đức tại Việt Nam kỳ vọng vào thị trường tiêu thụ nông sản ngoại của Việt Nam

Các sản phẩm chế biến chuyên sau như sữa, bơ, nước ép, trái cây sấy khô, đồ hộp, các sản phẩm sữa của các nhà sản xuất hàng đầu EU cũng xâm nhập vào Việt Nam.

Mới đây, Naturland - Hiệp Hội Nông Dân Hữu cơ ở Đức cũng vừa gặp gỡ các khách hàng tiềm năng, KOL ẩm thực tại Việt Nam để giới thiệu sản phẩm hữu cơ châu Âu tại Việt Nam.

Theo Naturland, Việt Nam với dân số 100 triệu người, sức tiêu dùng tăng cao, dân số trẻ và hướng tiêu dùng xanh - sạch và ngày càng hướng đến sản phẩm hữu cơ, tốt cho sức khoẻ, đây là thị trường rộng lớn, tiềm năng cho các sản phẩm nông sản của EU nói chung và các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có thế mạnh của Đức nói riêng.

Đại diện Naturland cho biết, tiêu chuẩn nông sản hữu cơ của Naturland bao gồm trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, các sản phẩm hữu cơ được chứng nhận đã nhận được sự tin tưởng từ người dân Châu Âu.

Theo Naturland, các sản phẩm nông sản hữu cơ của EU hiện đứng thứ 2 về thị phần toàn cầu, tổng diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ của EU năm 2021 tăng lên 15,6 triệu ha; số hộ sản xuất hữu cơ đạt 380.000 hộ và có 82.500 cơ sở chế biến. Năm 2021, thị trường bán lẻ tăng trưởng 3,6%, đạt 46,7 tỷ EUR (chỉ sau Mỹ).

Ông Albin DEFORGES, đại diện Naturland tại Việt Nam, cho biết các sản phẩm hữu cơ của EU được đánh giá cao bởi các tiêu chuẩn nghiêm ngặt trong phương pháp sản xuất, bằng cách làm nổi bật các tính năng cụ thể về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, các khía cạnh sức khỏe, tôn trọng môi trường, tính bền vững, đặc điểm của các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm, đặc biệt là về chất lượng và sự đa dạng với cách tiếp toàn diện sản phẩm.

Đáng chú ý, một trang trại được chứng nhận hữu cơ cần phải tuân theo một số tiêu chuẩn nhất định như giảm mạnh việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu; nông dân được khuyến khích thực hành các phương pháp ngăn ngừa bệnh tật trong đất hoặc giảm thiểu côn trùng gây hại và các vấn đề về cỏ dại bằng cách luân canh cây trồng; nông dân hữu cơ thường tự làm phân hữu cơ từ phụ phẩm hoặc thức ăn thừa từ vụ sản xuất trước; nông dân hữu cơ chỉ sử dụng kháng sinh khi các loại thuốc trị liệu bằng thực vật và các sản phẩm khác không thành công; họ ưu tiên các phương pháp bảo quản vật lý hoặc sinh học hơn các phương pháp hóa học và hơn thế nữa. 

Ngoài ra, tất cả  trang trại và nhà chế biến của Naturland đều hoạt động theo tiêu chuẩn hữu cơ của EU và tiêu chuẩn Naturland để sản xuất thực phẩm cao cấp, từ táo đến bắp cải, gà tây đến cá hồi, dầu ô liu, dầu hướng dương, cà phê đến sữa, các loại hạt, ngũ cốc, nguyên liệu làm bánh (bột mousse, bột pudding, bột mì, tinh bột sắn). 

Theo quy định của EU về GSP khi có FTA, Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng cơ chế GSP song song cùng EVFTA trong thời gian 02 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực (tức là đến hết 31/12/2022). Đồng thời, theo quy định trong EVFTA thì mức thuế ưu đãi EVFTA áp dụng đối với hàng hóa của Việt Nam sẽ không cao hơn các mức thuế mà EU áp dụng đối với hàng hóa đó tại thời điểm ngay trước khi EVFTA có hiệu lực.

Thuế quan ưu đãi EVFTA mà Việt Nam dành cho các sản phẩm nhập khẩu từ Đức là Việt Nam sẽ loại bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực (01/08/2020) đối với 48,5% số dòng thuế.

Sau 07 năm (hết ngày 31/12/2026), loại bỏ thuế quan đối với tổng cộng 91,8% số dòng thuế. Sau 10 năm (hết ngày 31/12/2029), sẽ loại bỏ thuế quan đối với tổng cộng 98,3% số dòng thuế. Khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại Việt Nam cam kết dành hạn ngạch thuế quan (đường, muối, trứng gia cầm, thuốc lá…), hoặc không cam kết cắt giảm thuế quan (một số sản phẩm ô tô).

Hơn 50% sản phẩm từ Đức sẽ được Việt Nam xóa bỏ ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, còn lại là xóa bỏ theo lộ trình trừ một số sản phẩm không có cam kết về thuế quan. 

An Linh
Cùng chuyên mục