Nữ doanh nhân Đỗ Quyên Hoa và niềm trăn trở "giữ hồn" cho nghề thêu truyền thống
Đam mê đồ handmade
Khi CMCN 4.0 phát triển như vũ bão khiến "tự động hóa" trở nên phổ biến và dần thay thế một số nghề thủ công thì lại có một doanh nhân nữ đi ngược chiều đám đông, tìm về những làng thêu truyền thống với những trăn trở làm sao để giữ gìn và phát triển nét văn hóa độc đáo này của Việt Nam. Người đó chính là nhà thiết kế Đỗ Quyên Hoa – bà chủ tiệm khẩu trang thêu tay được ca ngợi nhiều trong đợt dịch Covid – 19 vừa qua.
Tiếp đón tôi trong căn nhà nhỏ ấm cúng đồng thời cũng là cửa hàng thời trang đặc biệt mang tên Azelea của mình, chị Đỗ Quyên Hoa say sưa kể cho tôi nghe về "niềm đam mê thứ nhất" của mình đó là thiết kế thời trang. Chỉ bảo, cái "nghiệp kim chỉ" này nó khiến chị nửa đêm đang ngủ bỗng sực tỉnh vì chợt nghĩ ra một ý tưởng thiết kế mới, phải ghi lại ngay kẻo sáng mai tỉnh giấc sẽ quên mất. Rồi có những ngày chị miệt mài thức đêm may đồ cho khách đến 2,3 giờ sáng mới chịu chợp mắt.
Chị chia sẻ: "Hồi xưa, mẹ tôi là Việt kiều Thái Lan, bà về nước từ những năm 1960 và mở tiệm may tần tảo nuôi các con ăn học. Từ hồi nhỏ xíu, tôi đã có hứng thú với kim chỉ, lên 5 tuổi đã biết thùa khuyết, lớn hơn một chút thì tôi theo mẹ học cắt may quần áo. Nhờ có mẹ chỉ dạy mà tôi đã có những kiến thức cơ bản về nghề may, đó cũng có thể xem như nền tảng để tôi phát triển công việc thiết kế thời trang như hiện tại."
Với quan niệm "thời trang phải độc, lạ và quyến rũ", chị đã tự thiết kế và may cho chính mình những thành phẩm đầu tiên. Sau đó, chị bắt đầu có những đơn hàng ủng hộ từ người thân, bạn bè, họ thấy sản phẩm của chị Đỗ Quyên Hoa có vẻ đẹp rất độc đáo và khác biệt nên yêu mến và quảng bá giúp chị.
Nhớ lại thời gian đầu khởi nghiệp với nhiều khó khăn, chị nói: "Cái khó nhất đó là tìm được thợ thêu tay. Bởi tôi đã đến rất nhiều làng nghề trên cả nước nhưng số thợ còn giữ nghề rất ít, chưa kể người thợ ít tuổi nhất cũng đã ngoài 40 tuổi."
Tuy nhiên, vượt qua tất cả, chị cũng đã tìm cho mình một hướng đi riêng. Chị chọn thị trường ngách rất hẹp mà ít người dám dấn thân đó là thời trang thêu tay, chỉ dành cho khách hàng độ tuổi trung niên từ 40 tuổi trở lên. Những đơn hàng hầu như đều được thiết kế theo mẫu riêng cho từng khách hàng, được cắt may cẩn thận, thêu tay, thắt ren rất kỳ công nên giá thành khá cao.
Chị cho biết những mẫu thời trang thêu tay ở cửa hàng của chị rẻ nhất là khoảng 4 – 5 triệu đồng, có những mẫu lên tới vài trăm triệu đồng. Chính vì giá thành cao, hàng lại kén người mặc nên chị không chú trọng phát triển quy mô mà tập trung vào chất lượng sản phẩm.
Quan sát những mẫu thời trang của chị, có thể thấy chúng không chỉ cầu kỳ trong từng đường kim mũi chỉ mà còn có sự độc đáo từ những mẫu thêu trên đó. Chị chia sẻ: "Từ hồi nhỏ, tôi rất thích đọc tiểu thuyết nước ngoài, những câu chuyện về nữ hoàng Ai Cập, về Hoàng Đế Napoleon,… khiến tôi ấn tượng và nhớ mãi. Có lẽ, một phần nào đó, các nhân vật của tôi bước ra từ trang sách, từ những bức tranh hay những bức phù điêu,..."
Trăn trở khôi phục và phát triển nghề thêu truyền thống
Say sưa với những mẫu thêu hanmade, cho đến nay, chị đã sở hữu hàng trăm mẫu thiết kế độc đáo và tạo ra thành phẩm thời trang cung cấp ra thị trường cả trong và ngoài nước. Chị cho rằng, nghề thêu tay không chỉ mang vẻ đẹp truyền thống của dân tộc mà còn ẩn chứa trong từng đường kim mũi chỉ là tình cảm, sự tỉ mẩn kiên trì của người thợ. Tuy nhiên, độ khó đã khiến nghề thêu dần bị mai một và đứng trước nguy cơ thất truyền. Trước sự phát triển mạnh như vũ bão của CMCN 4.0, chị Hoa luôn trăn trở tìm phương hướng để khôi phục và phát triển nghề thêu truyền thống.
Và bắt đầu từ công việc kinh doanh của mình, chị đã làm mọi cách để có đơn hàng thường xuyên, đều đặn cho những thợ thêu chân chính. Điển hình như trong đại dịch Covid – 19 vừa qua, bằng sự sáng tạo, chị đã tạo ra những sản phẩm khẩu trang thêu tay đẹp mắt, vừa an toàn vừa đảm bảo thẩm mỹ cho người sử dụng.
Sản phẩm khẩu trang vải với những hình thêu hoa đồng nội, thêu nhân vật của chị không chỉ truyền cảm hứng cho người dân trong nước mà còn thu hút sự chú ý của du khách nước ngoài. Mặc dù giá thành mỗi chiếc khẩu trang tương đối cao, dao động từ 500 – 600 nghìn đồng/ chiếc nhưng lại nhận được sự đón nhận của nhiều người tiêu dùng vì tính tiện dụng và thời trang đẹp mắt. Bởi vậy, Công ty Cổ phần Sahara Việt Nam của chị Hoa đã xuất khẩu được hàng nghìn chiếc khẩu trang thêu tay sang các nước như: Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Bỉ,.. đồng thời được nhiều hãng thông tấn báo chí quốc tế ca ngợi.
Trong và sau mùa dịch Covid – 19, chị vẫn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động tại các làng nghề trên cả nước như: Gia Phúc, Quất Động, Mỹ Đức, Chúc Sơn,..., giúp người thợ có thu nhập từ 200 – 600 nghìn đồng/ ngày công.
Ghi nhận những nỗ lực không mệt mỏi của chị trong việc giữ gìn và phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ, mới đây, sản phẩm khẩu trang thêu hoa do Công ty Cổ phần Sahara Việt Nam sản xuất đã vinh dự được UBND Hà Nội trao tặng giải Nhì "Cuộc thi thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2020".
Chia sẻ về công việc của mình, chị Hoa cho biết: "Nhiều người nói rằng tôi đã thành công trong lĩnh vực mình theo đuổi nhưng tôi thì thấy điều đó chưa hẳn là đúng. Hiện tại, tôi hạnh phúc với những gì mình đang có, tôi cảm thấy toại nguyện vì được làm công việc mình yêu thích. Tôi cho rằng phải có đam mê tột bậc và kiên trì theo đuổi mục tiêu thì mới thành công. Đó cũng là phẩm chất mà theo tôi, những người phụ nữ sống trong thời đại 4.0 cần có."