Nữ Tổng thống Tanzania hồi sinh dự án cảng 10 tỷ USD do Trung Quốc tài trợ

27/06/2021 12:49 GMT+7
Tờ Bloomberg đưa tin Tổng thống Tanzania Samia Suluhu Hassan mới đây quyết định sẽ nối lại các cuộc đàm phán liên quan đến dự án xây dựng cảng trị giá 10 tỷ USD được hậu thuẫn bởi Trung Quốc.

Trong cuộc trò chuyện với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở thủ phủ thương mại của quốc gia Dar es Salaam hôm 26/6, Tổng thống Tanzania Samia Suluhu Hassan cho hay chính phủ đang bắt đầu các cuộc đàm phán với phía Bắc Minh trong nỗ lực hồi sinh dự án cảng Bagamoyo.

Vào tháng 10/2015, China Merchants Holdings International - nhà khai thác cảng lớn nhất Trung Quốc đã bắt đầu dự án xây dựng cảng và đặc khu kinh tế Bagamoyo trị giá 10 tỷ USD, được hậu thuẫn bởi Bắc Kinh và Quỹ Dự trữ chung của Nhà nước Oman. Tuy nhiên, dự án sau đó rơi vào bế tắc khi Tổng thống Tanzania khi đó là ông John Magufuli nhậm chức vào tháng 11 cùng năm.

Một phần nguyên nhân là do cảng nằm ở 75 km phía Bắc Dar é Salaam. Dự án bị các nhà nhập khẩu Tanzania phản đối vì gây ách tắc và thiếu tính hiệu quả. Cựu Tổng thống Magufuli cũng tỏ ra ủng hộ dự án mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng ở Dar es Salaam hơn là xây dựng một cảng mới. 

Tuy nhiên, kể từ khi bà Samia Suluhu Hassan lên nắm quyền sau cái chết của người tiền nhiệm Magufuli vào tháng 3/2021, bà này đã thúc đẩy thực hiện hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng đang đình trệ, trong đó có dự án cảng Bagamoyo.

Nữ Tổng thống Tanzania hồi sinh dự án cảng 10 tỷ USD do Trung Quốc tài trợ - Ảnh 1.

Tổng thống Tanzania Samia Suluhu Hassan mới đây quyết định sẽ nối lại các cuộc đàm phán liên quan đến dự án xây dựng cảng Bagamoyo trị giá 10 tỷ USD được hậu thuẫn bởi Trung Quốc (Ảnh: AFP)

Dự án bao gồm xây dựng một nhà ga khí tự nhiên hóa lỏng trị giá 30 tỷ USD do Equinor ASA, Royal Dutch Shell Plc, Exxon Mobil Corp. và các đối tác khác phát triển, và một liên doanh khác trị giá 3 tỷ USD với Công ty Sichuan Hongda của Trung Quốc để khai thác quặng sắt và mỏ than tại Tanzania.

Năm 2019, cựu Tổng thống Magufuli từng khẳng định “chỉ có kẻ điên” mới đồng ý với các điều kiện trong thỏa thuận xây dựng cảng Bagamoyo. Một số điều khoản vô lý mà ông bác bỏ bao gồm việc cấp hợp đồng thuê đất thời hạn 99 năm cho các nhà đầu tư Trung Quốc tại cảng này, điều mà ông Magufuli chỉ ra là trái với luật pháp quốc gia.

Bất chấp điều đó, bà Hassan tuyên bố chính phủ Tanzania hiện đã quyết định hồi sinh dự án cảng Bagamoyo “vì lợi ích quốc gia”. Các điều khoản chi tiết trong thỏa thuận chưa được tiết lộ.

Từ lâu, các chính khách và nhà phân tích phương Tây đã bày tỏ sự quan ngại về rủi ro “bẫy nợ” từ các dự án đầu tư nước ngoài mà Trung Quốc thực hiện. 

Chẳng hạn, Lào, quốc gia Đông Nam Á đang vật lộn để trả các khoản vay khổng lồ, đã phải giao cho Bắc Kinh quyền kiểm soát phần lớn hệ thống lưới điện quốc gia khi gánh nặng nợ của công ty điện lực quốc doanh lên tới 26% tổng GDP. 

Tham vọng đưa quốc gia trở thành “pin năng lượng của Đông Nam Á” đã thúc đẩy Lào đầu tư vào hàng loạt dự án thủy điển để tăng cường xuất khẩu điện. Do đó, chính phủ Lào đã đồng ý giao cho các công ty Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc khai thác trữ lượng thủy điện dồi dào tại quốc gia này. Đến nay, Bắc Kinh đã kiểm soát phần lớn lưới điện cũng như nguồn nước của Lào. Điều này không chỉ gây ra mối đe dọa lớn với an ninh môi trường của Lào - một quốc gia không giáp biển, mà còn mang đến rủi ro với an ninh quốc gia. Nhất là khi Trung Quốc tăng cường xây đập trên sông MeKong, điều mà các chuyên gia toàn cầu cáo buộc là nguyên nhân gây ra tình trạng cạn kiệt nước sông và hạn hán ở vùng hạ lưu.

Sri Lanka và Pakistan thì rơi vào một “vòng luẩn quẩn”, buộc phải tìm kiếm các khoản vay mới từ Trung Quốc để trả khoản vay cũ đến thời điểm đáo hạn. Cả hai quốc gia này đều đã phải giao quyền kiểm soát một số tài sản chiến lược quốc gia cho Bắc Kinh do mất khả năng thanh toán nợ. Cách đây 3 năm, Sri Lanka ký hợp đồng cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota - cảng biển có vị trí chiến lược nhất khu vực Ấn Độ Dương - cùng 6.000 ha đất xung quanh cảng để bù đắp lại khoản nợ khổng lồ. Còn Pakistan thì buộc phải nhượng cho Trung Quốc quyền điều hành cảng Gwadar trong 40 năm tiếp theo. Theo hợp đồng này, Trung Quốc sẽ bỏ tủi 91% doanh thu từ cảng trong suốt thời gian đó, đồng thời được kinh doanh độc quyền và miễn các loại thuế.

Tajikistan, một quốc gia Châu Á khác bị vướng vào các khoản nợ khó trả với Trung Quốc từ năm 2006 đã buộc phải nhượng 1.158 km2 đất tại vùng núi Pamir cho Bắc Kinh, đồng thời cấp cho các công ty Trung Quốc quyền khai thác vàng, bạc, quặng khoáng sản khác từ vùng núi này. 

Tại Châu Phi, hàng loạt quốc gia nghèo như Angola, Cameroon, Congo, Ethiopia, Kenya, Mozambique và Zambia đã phải loay hoay tìm cách buộc Bắc Kinh hoãn nợ trong cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 vừa qua.


NTTD
Cùng chuyên mục