Úc hủy 2 thỏa thuận thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc
Hôm 21/4, Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne tuyên bố thỏa thuận song phương giữa Trung Quốc và bang Victoria nằm trong số bốn thỏa thuận bị phủ quyết theo luật mới cho phép chính phủ Úc xử lý các thỏa thuận quốc tế của chính quyền địa phương nếu thỏa thuận đó vi phạm lợi ích quốc gia.
Hai thỏa thuận được chính quyền bang Victoria ký với Bắc Kinh vào năm 2018-2019 theo sáng kiến Vành đai và Con đường đã bị các nhà lập pháp Úc phản ứng dữ dội suốt thời gian qua. Các hiệp ước khác mà Bộ Giáo dục Victoria ký với Syria năm 1999 và Iran năm 2004 cũng bị hủy bỏ.
“Tôi cho rằng bốn thỏa thuận này không phù hợp với chính sách đối ngoại của Úc hoặc bất lợi cho quan hệ đối ngoại của chúng tôi” - Bộ trưởng Marise Payne nhấn mạnh.
Bộ trưởng Payne tuyên bố không cho rằng Trung Quốc sẽ trả đũa sau động thái này, vì “Úc đang hành động dựa trên lợi ích quốc gia của chúng tôi. Chúng tôi rất cẩn thận và cân nhắc trong từng cách tiếp cận”. “Hành động đó nhằm đảm bảo chúng tôi có cách tiếp cận nhất quán với chính sách đối ngoại ở tất cả các cấp chính quyền, và nó không nhắm mục tiêu đến bất kỳ quốc gia cụ thể nào. Nó chắn chắn cũng không nhằm mục đích làm tổn hại mối quan hệ giữa Úc với bất kỳ quốc gia nào”.
Trong một tuyên bố đáp lại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Úc cho biết quyết định này “càng cho thấy rằng chính phủ Úc không có sự chân thành trong việc cải thiện quan hệ Úc - Trung”.
Phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Úc khẳng định động thái hủy bỏ 2 thỏa thuận nằm trong sáng kiến Vành đai và Con đường “chắc chắn sẽ gây thêm thiệt hại cho các mối quan hệ song phương, và cuối cùng sẽ chỉ làm tổn thương chính nước Úc”.
Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận bằng tiếng Anh của Trung Quốc sau đó cũng đăng bài chính luận tiêu đề: “Úc phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng vì hành động khiêu khích phi lý chống lại Trung Quốc”. Bài luận nhận định động thái mới đây đánh dấu “sự leo thang đáng kể” có thể đẩy quan hệ song phương Trung - Úc vốn đã đóng băng xuống bờ vực thẳm.
Quan hệ Úc - Trung đang rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Các Bộ trưởng trong chính phủ Trung Quốc hiện đã từ chối điện đàm với những người đồng cấp Úc.
Quan hệ Úc - Trung đã xấu đi kể từ khi chính quyền Canberra kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc dịch Covid-19, hưởng ứng những cáo buộc của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, khiến Bắc Kinh giận dữ. Ngoại trưởng Úc Marise Payne là người đã xuất hiện trên đài truyền hình địa phương, kêu gọi một cuộc điều tra độc lập với Tổ chức Y tế Thế giới WHO về nguồn gốc dịch bệnh khi ổ dịch Covid-19 đầu tiên được báo cáo tại một khu chợ ở Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc. Vào thời điểm đó, WHO cũng đang phải đối mặt với sự chỉ trích quốc tế về cách xử lý đại dịch.
Các chính trị gia Úc khác sau đó cũng lên tiếng kêu gọi một nỗ lực điều tra độc lập tương tự, bao gồm cả Thủ tướng Úc Scott Morrison, người cũng đề nghị các điều tra viên của Tổ chức Y tế Thế giới tại Vũ Hán được cấp quyền hạn thanh tra với sự hậu thuẫn của Liên hợp Quốc.
Úc từ lâu đã được biết đến như đồng minh thân thiết của Mỹ. Chính phủ Trung Quốc sau đó đã đưa ra hàng loạt động thái đáp trả bao gồm áp thuế bán phá giá yến mạch Úc lên tới 80,5%, đồng thời cấm nhập khẩu thịt bò từ hai công ty chế biến thịt hàng đầu đất nước. Tiếp sau đó, hàng loạt mặt hàng xuất khẩu của Úc như gỗ, than… cũng gặp khó khăn khi thâm nhập thị trường Trung Quốc.
Bắc Kinh phản ứng dữ dội trước những cáo buộc, đáp trả rằng cáo buộc của Canberra là vô căn cứ. “Bất kỳ nghi ngờ nào về sự minh bạch của Trung Quốc không chỉ đi ngược lại sự thật mà còn phản ánh sự thiếu tôn trọng những nỗ lực và hy sinh to lớn của nhân dân Trung Quốc… Phía Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh vấn đề nguồn gốc dịch Covid-19 là một vấn đề khoa học nghiêm túc cần sự vào cuộc của các nhà khoa học và chuyên gia y tế. Chúng tôi kỳ vọng phía Úc xử lý vấn đề một cách khách quan, khoa học và công tâm”.