Nước mắm lên sàn ra thế giới

20/09/2020 07:26 GMT+7
Nước mắm Việt Nam đang chinh phục thị trường toàn cầu thông qua các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là trong điều kiện khó khăn hiện nay.
Nước mắm lên sàn ra thế giới - Ảnh 1.

Anh152.

Lên sàn thế giới

Mỗi ngày có 300 sản phẩm được bán trên Amazon, liên tục đứng Top 1 sản phẩm bán chạy nhất, nước mắm thương hiệu Mami trở thành câu chuyện “hot” nhiều tháng liền trên sàn thương mại lớn nhất thế giới này. Riêng trong tháng 4 và 5/2020, Mami đã bán được hơn 18.000 sản phẩm cho người tiêu dùng khắp thế giới thông qua Amazon.

Ông Lê Bá Linh-Thành viên sáng lập Công ty Link Nature Power (sở hữu Mami) cho biết, nước mắm truyền thống của Việt Nam đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, đặc biệt thông qua các sàn thương mại điện tử.

Theo ông Linh: "Người Việt thường ăn nước mắm sống, pha chế làm các loại nước chấm và sử dụng trong nấu ăn. Nhưng người nước ngoài lại sử dụng nước mắm làm gia vị để tăng hương vị của món ăn. Ví dụ, món thịt trừu (cừu) nướng BBQ có thể ngon hơn và tán bớt mùi trừu khi nêm thêm chút nước mắm truyền thống. Pizza, mỳ pasta hay các món ăn sẽ thêm hấp dẫn khi có tinh túy nước cất từ cá cơm Việt Nam”. Điều thú vị là 70%  người tiêu dùng ở nước ngoài dùng nước mắm Mami là người da trắng trong khi chỉ 30% là người châu Á.

Chưa lên sàn điện tử nhưng từ giữa năm 2019, mắm và nước mắm nhãn hiệu Lê Gia đã xuất khẩu đi Nga, Nam Phi và Hàn Quốc. Hiện Lê Gia đang xúc tiến để đưa các sản phẩm truyền thống của mình đi Mỹ và các nước EU. Ông Lê Ngọc Anh - CEO Công ty TNHH Lê Gia cho rằng, việc xuất khẩu nước mắm không chỉ là hoạt động thương mại thuần túy mà còn là xuất khẩu văn hóa ẩm thực của cha ông đến bạn bè trên thế giới. “Nước mắm truyền thống Việt Nam sẽ là hộ chiếu cho nền ẩm thực Việt Nam bước vào các món ăn truyền thống của các nước”.

Cũng như thế, nước mắm Bảy Hồng Hạnh đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Chia sẻ tại tọa đàm “Nước mắm truyền thống - Từ bàn ăn gia đình Việt ra thế giới” do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức chiều 17/9/2020, ông Trần Hữu Hiền - Giám đốc điều hành Công ty TNHH SX-TM-DV Bảy Hồng Hạnh cho biết, ở thị trường nội địa, nước mắm Bảy Hồng Hạnh đã lên các sàn Tiki, Sendo… Từ năm 2013 đến nay, Bảy Hồng Hạnh đã đưa sản phẩm sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines… Hiện tại, Công ty đang lên kế hoạch để năm 2021 sẽ đưa sản phẩm lên các sàn thương mại thế giới.

Nước mắm lên sàn ra thế giới - Ảnh 2.

Mắm và nước mắm truyền thống Việt đang chinh phục người tiêu dùng thế giới

Chinh phục người tiêu dùng toàn cầu

Theo các chuyên gia, bán hàng trên Amazon là cơ hội rất lớn cho các thương hiệu Việt. Doanh nghiệp không cần phải giải thích hay mô tả sản phẩm cho tất cả các khách hàng với phương pháp thủ công thông thường. Chất lượng của sản phẩm là yếu tố quyết định, và chất lượng đó ngay từ lúc đầu đã được Amazon kiểm nghiệm chặt chẽ bằng các chứng nhận bắt buộc phải có, và sau đó là nhận xét của khách hàng.  Ông Lê Ngọc Anh cho rằng, các nước rất quan tâm đến chất lượng, tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm nên bao bì, mẫu mã sản phẩm cũng phải tương xứng, đầy đủ thông tin, được in song ngữ.

Hiện Việt Nam là quốc gia sản xuất nước mắm truyền thống hàng đầu thế giới với công suất 170-180 triệu lít mỗi năm, vượt qua Thái Lan và Philippines. Các nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng sản xuất nước mắm nhỏ lẻ và chất lượng không bằng Việt Nam. Thế nhưng, điều đáng buồn là nước mắm truyền thống Việt Nam xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới nhưng so với Thái Lan, sản lượng vẫn còn rất nhỏ.

Nước mắm lên sàn ra thế giới - Ảnh 3.

Nước mắm truyền thống Việt Nam đang được đầu tư công nghệ sản xuất

Trong điều kiện khó khăn hiện nay, tăng cường xuất khẩu thông qua các sàn thương mại điện tử là giải pháp tốt nhất cho doanh nghiệp. Nhưng, để làm được điều này, trước tiên, doanh nghiệp cần nghiên cứu thị trường quốc tế xem có nhu cầu hay không, có ai đã từng bán sản phẩm đó ở thị trường đó chưa và giá cả như thế nào, chất lượng ra sao…

Từ đó, doanh nghiệp sẽ quay ngược lại xem sản phẩm của mình có phù hợp hay không. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải làm tất cả các quy trình về bán hàng, phải làm marketing, chăm sóc khách hàng, quản trị chất lượng, nhất là bao bì… Đơn cử,  nước mắm Mami đã vượt qua các đợt kiểm tra Cục Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) về nồng độ pH và hàm lượng histamine (dưới 400 ppm) mới được phép bán trên Amazon và có hơn 10 lần “thay áo mới” cho thương hiệu. Cũng như thế, để đưa nước mắm Việt đi khắp nơi trên thế giới, chinh phục người tiêu dùng toàn cầu, Bảy Hồng Hạnh đã 5 lần thay đổi bao bì sản phẩm để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nước ngoài.


Hồng Nga/Theo Doanh Nhân Sài Gòn
Cùng chuyên mục