Nước mắm truyền thống hợp lực để giành thị phần
Từ lô hàng đầu tiên đi Hàn Quốc năm 1993, đến nay, công ty Thanh Hà đã xuất khẩu nước mắm truyền thống sang hầu hết nước châu Âu và nhiều quốc gia khác. Thị trường nội địa cũng tăng trưởng nhanh, chiếm 40% sản lượng của đơn vị này.
Tuy vậy, theo bà Ong Thị Kim Ngân - Phó giám đốc phụ trách kinh doanh của doanh nghiệp, nước mắm truyền thống vẫn gặp hai thách thức lớn, đó là khẩu vị của người tiêu dùng và giá cả.
Bà phân tích, nước mắm truyền thống có độ đạm cao, như ở Phú Quốc thường từ 20 độ đạm trở lên. Do đó, một số người cảm thấy khó ăn, đặc biệt là thế hệ trẻ. Thậm chí, ngay cả khi người tiêu dùng hiểu rõ về các loại nước mắm, quyết định chọn mua của họ cũng phụ thuộc nhiều vào mức thu nhập và thói quen chi tiêu.
Trong khi đó, đặc tính của nước mắm truyền thống cần sử dụng nhiều lao động, sản lượng chịu ảnh hưởng bởi yếu tố đánh bắt tự nhiên. Nước mắm truyền thống thường có giá cao gấp 2-4 lần nước mắm công nghiệp.
"Giá cả là rào cản lớn nhất. Nhưng nước mắm truyền thống thì không thể rẻ được. Chúng tôi chỉ có thể tìm phương án giảm giá thành để có mức giá phù hợp", bà Kim Ngân chia sẻ.
Đây cũng là lý do các nhà sản xuất nước mắm truyền thống quyết định tập hợp, hình thành nên Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam. Hiệp hội này được Bộ Nội vụ cấp giấy phép thành lập ngày 3/9 và sẽ tổ chức đại hội lần đầu sáng 27/10 tới.
Bà Vũ Kim Hạnh, Thành viên Ban vận động thành lập hiệp hội cho biết, các hội viên mong muốn tạo tiếng nói chung cho ngành nghề và tận dụng nguồn lực lẫn nhau. Các doanh nghiệp có thể giảm giá thành sản phẩm thông qua việc tăng tính liên kết từ khâu đánh bắt cá, sản xuất nước mắm đến xuất khẩu.
Mặt khác, trong bối cảnh thiếu hụt ngân sách quảng cáo, các thành viên trong hiệp hội kỳ vọng thực hiện những chiến dịch chung, từ đó xây dựng thương hiệu nước mắm truyền thống Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Nhưng quan trọng hơn cả, theo bà Kim Hạnh, những người làm nước mắm truyền thống phải nghiên cứu kỹ lưỡng khẩu vị của người tiêu dùng, từ đó tìm ra hương vị phù hợp để chinh phục thị trường.
Hiện nay, hiệp hội có 117 hội viên từ khoảng 20 tỉnh, TP, trong đó 87,2% là doanh nghiệp. Một số đơn vị thành viên đã thành công trong việc đưa nước mắm truyền thống lên sàn thương mại điện tử Amazon và siêu thị ở nhiều quốc gia. Đồng thời, công nghệ hiện đại cũng được áp dụng trong nhiều xưởng sản xuất của hội viên.
Việt Nam là quốc gia sản xuất nước mắm truyền thống hàng đầu thế giới, với công suất 170-180 triệu lít mỗi năm. Tuy nhiên, nước mắm truyền thống hiện chỉ chiếm 30% thị phần nội địa. Còn ở thị trường quốc tế, nước mắm Việt chịu áp lực cạnh tranh lớn từ sản phẩm Thái Lan.