Nuôi con "ai cũng sợ", làng cổ ở Hà Nội từng kiếm hàng chục tỷ mỗi năm

17/09/2020 06:00 GMT+7
Doanh thu từ chăn nuôi, chế biến và dịch vụ ẩm thực từ rắn của ngôi làng cổ này từng đạt trên 31 tỷ đồng/năm, chiếm 44,22% doanh thu của các ngành nghề tại địa phương.


Làng nghề Lệ Mật: Nổi danh nhờ nuôi con “ai cũng sợ” - Ảnh 1.

Làng cổ Lệ Mật

Kiếm hàng chục tỷ mỗi năm

Làng rắn cổ Lệ Mật thuộc xã Việt Hưng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 30 - 40km. Nghề săn bắt, chăn nuôi và chế biến rắn là một nghề độc đáo của Lệ Mật mà ít nơi có được.

Các cụ cao niên làng Lệ Mật kể rằng, nghề nuôi rắn ở đây có từ bao giờ chẳng ai nhớ rõ. Tương truyền vào thời nhà Lý, công chúa con vua Lý Nhân Tông đang dạo chơi trên sông Thiên Đức chợt sóng gió nổi lên, thủy quái xuất hiện, bắt công chúa. Nhà vua thương con, cử nhiều tướng tài đi diệt thủy quái nhưng không ai làm được. 

Có chàng trai họ Hoàng sống ở làng Trù Mật võ nghệ cao cường, lại có tài bơi lội xin vua cho đi. Cuộc chiến đấu sôi sục cả lòng sông, với sự mưu trí, dũng cảm, chàng trai đã diệt được thủy quái. 

Nhà vua ban thưởng cho chàng trai họ Hoàng quan tước, vàng bạc nhưng chàng không nhận chỉ xin về lập ấp ở phía Tây thành Thăng Long, biến nơi hoang vu thành 13 làng trại trù phú. 

Sau khi "khai làng lập ấp", chàng quay về củng cố làng cũ. Sau này, chàng mất, dân làng lập đình thờ chàng, suy tôn là Thành hoàng. Theo gương chàng, dân chúng làng Lệ Mật ngoài việc nhà nông còn phát triển thêm nghề bắt rắn, nuôi rắn và nghề rắn cũng bắt nguồn từ đó.

Thời gian đầu dân làng Lệ Mật chỉ nuôi rắn để ngâm rượu làm thuốc chữa bệnh, sau này da rắn được làm đồ mỹ nghệ như dây lưng, ví da, giày da… Do có sự giao lưu kinh tế nên rắn Lệ Mật còn trở thành đặc sản của người dân kinh kỳ và thực khách gần xa. 

Làng nghề Lệ Mật: Nổi danh nhờ nuôi con “ai cũng sợ” - Ảnh 2.

Ẩm thực từ rắn Lệ Mật cũng được đánh giá là độc nhất ở Việt Nam và trên thế giới.

Ngày 22/4/2011, UBND phường Việt Hưng (quận Long Biên) tổ chức đón nhận danh hiệu "Làng nghề truyền thống nuôi rắn Lệ Mật". Cũng vào năm đó, cả làng có 100 hộ với 370 lao động tham gia chăn nuôi rắn. 

Doanh thu từ chăn nuôi, chế biến và dịch vụ ẩm thực của làng nghề đạt trên 31 tỷ đồng/năm, chiếm 44,22% doanh thu của các ngành nghề tại địa phương.

Làm bạn với tử thần

Tiếc rằng những sự thăng hoa đó lại là câu chuyện của 10 năm trước. Còn hiện nay, làng nghề gần như đã “thay da đổi thịt”. Khác xa với tưởng tượng, làng có phần đìu hiu, không còn dấu hiệu của một làng với nghề nuôi rắn.

Để tìm hiểu kĩ hơn, phóng viên tìm đến nhà anh Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch HTX làng nghề Lệ Mật, đồng thời cũng là một trong số những hộ gia đình còn chăn nuôi rắn. 

Anh Tuấn chia sẻ: “Hiện trong làng chỉ còn 35 hộ nuôi. Mỗi hộ có khoảng 20-40 chuồng, mỗi chuồng một con. Trước thì dân làng có đi bắt, nhưng từ khi có lệnh cấm thì người chuyển sang nuôi thương mại.

Làng nghề Lệ Mật: Nổi danh nhờ nuôi con “ai cũng sợ” - Ảnh 3.

Anh Tuấn là một trong số ít ỏi những hộ vẫn còn theo nghề.

Trước dân chủ yếu chỉ làm ruộng, đi bắt rắn. Ngày xưa đất rộng thì dân còn nuôi nhiều. Nhưng do hoàn cảnh nên họ bán đất đi, chỗ nuôi rắn cũng từ đó mà bị thu hẹp. Thậm chí có những nhà phải nuôi rắn trong nhà, nguy hiểm mà số lượng nuôi cũng không được nhiều.

Quận, chính quyền địa phương còn chậm trễ trong quá trình tìm đất phát triển nghề nên việc nuôi cũng bị ảnh hưởng”.

Làng nghề Lệ Mật: Nổi danh nhờ nuôi con “ai cũng sợ” - Ảnh 4.

Mỗi ô nuôi rắn có kích thước 23x30x60cm, chỉ đủ cho 1 con rắn. Sau khi rắn sinh sản sẽ phải tách con nên diện tích chuồng cần rất nhiều.

Nuôi rắn cũng gần như phải “làm bạn với tử thần”, bởi chỉ cần một cú vồ của con hổ mang trưởng thành cũng đủ lấy đi tính mạng của một người lớn. Theo tìm hiểu, trong làng đã có vài người thiệt mạng do bị rắn cắn. 

Làng nghề Lệ Mật: Nổi danh nhờ nuôi con “ai cũng sợ” - Ảnh 5.

Mỗi con rắn hổ mất khoảng 7-8 tháng đến 1 năm là trưởng thành.

“Bắt rắn phải có kiểu, có nghề nên 15 năm nay, anh chưa bao giờ bị rắn cắn” - anh Tuấn tự hào nói.

Rắn vốn là động vật hoang dã nên không thể thuần hóa nhưng bù lại rất dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là cóc, nhái. Một mùa sinh sản 1 con trưởng thành có thể đẻ 10-15 trứng. 

Trước Covid-19, rắn chủ yếu được đóng nguyên con vào bao rồi chuyển đi Móng Cái, Lào Cai hay sang Trung Quốc.

Một con rắn không bị bỏ phí đi bộ phận nào. Da rắn có thể dùng làm thắt lưng, bao da, ví da, giá bán một sản phẩm có thể lên tới cả chục triệu.

Trứng rắn trước cũng được bán nhiều nhưng hiện không có đất nuôi nên số lượng cũng ít đi nhiều. Còn nói về thương hiệu, không nơi đâu bằng rắn Lệ Mật. Ở Vĩnh Lạc, Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) cũng nuôi rất nhiều, cả hổ mang chúa nhưng cũng không nổi bằng ở đây.

Nhìn làng nghề ngày một mai một, anh Tuấn không khỏi buồn lòng: “Dân không bán đất thì không có tiền ăn, mà chuyển ra nơi khác thì chưa được hỗ trợ. Anh cũng như nhiều người cũng muốn lưu giữ làng nghề, sức còn bao nhiêu thì cố bấy nhiêu, để mất đi thì thật sự tiếc”

Một nhân viên tại nhà hàng Trọng Khánh "trổ tài bắt rắt" với phóng viên

Mai Trang
Cùng chuyên mục