Nuôi loài “sơn hào hải vị”, ngư dân Sông Cầu phất lên thành tỷ phú (bài 1)
Năm nay, thời tiết thuận lợi, vùng nuôi ít bị ảnh hưởng, dịch bệnh trên tôm được kiểm soát, do vậy con tôm lớn nhanh, tỷ lệ hao hụt thấp; đồng thời giá bán tôm ổn định…Những người nuôi như ông Phạm Phúc vô cùng phấn khởi.
Trúng lớn từ tôm hùm
Nụ cười rạng rỡ, ông Phạm Phúc cho hay: Giá bán 1,1 triệu đồng/kg – cao hơn so với mọi năm, vụ tôm năm nay ông thu về hơn 7 tỷ đồng. "Năm nay giá tôm cao và ổn định từ đầu năm, ai làm cũng có lãi hết. Mừng lắm, phấn khởi lắm!" - ông Phúc hồ hởi.
Trong sự phấn khởi vì "trúng" lớn, ông Phúc kể với chúng tôi về nghề, về kinh nghiệm nuôi tôm hùm - một trong những "sơn hào hải vị" đắt đỏ. Với ông, "nuôi tôm hùm là một nghệ thuật", để tôm mang lại giá trị kinh tế cao không phải người nuôi nào cũng làm được.
Theo chia sẻ của người ngư dân này, nuôi tôm hùm có rất nhiều khác biệt. Ngay từ con giống phải bắt từ tự nhiên. Thức ăn cũng vậy, hiện nay chưa có sản phẩm thức ăn thương mại chuyên biệt cho tôm hùm, cá tạp vẫn là nguồn thức ăn chủ yếu. Cho ăn bao nhiêu cũng phải "cân não" để vừa đỡ uổng phí vừa hạn chế sự ô nhiễm môi trường xung quanh các vùng nuôi. "Hàng ngày phải ra chợ lựa thức ăn tươi, ngon, màu mỡ thì tôm của mình mới đẹp, mới bự. Còn phải nuôi thêm ốc, ngao… làm thức ăn cho tôm. Mình nuôi nhiều có kinh nghiệm thì làm có hiệu quả hơn" - ông Phúc chia sẻ.
Cùng ngư dân vượt "sóng cả"
Từ hai bàn tay trắng, khởi nghiệp trên chiếc thuyền nan nhỏ "vớt" từng con giống về nuôi vài ba lồng để "sinh tồn", ông Phúc nay đã phất lên thành "ông chủ" sở hữu gần 300 lồng nuôi tôm hùm xanh.
Đặc biệt, có thời điểm chịu ảnh hưởng của bão, thiên tai khiến 80% số lồng nuôi của ông Phúc bị "xóa sổ", tôm chết vì ngộp nước ngọt… Thế nhưng, với ý chí và nghị lực phi thường, cùng với sự tiếp sức của ngân hàng, ông Phúc vững vàng vượt qua mọi sóng gió và có được cơ nghiệp như ngày hôm nay.
"Ngân hàng cho vay vốn, rồi hỗ trợ mình cả lúc thuận lợi và khó khăn thì mới làm lớn được như vậy. Người nào không vay vốn thì chỉ làm vài ba lồng. Đầu tư một lồng nuôi phải mất 40 triệu đồng. Mình vay vốn Agribank từ khi làm 5 -7 lồng và năm nào cũng vay, cứ vay rồi trả vay rồi trả." - ông Phúc chia sẻ.
Đầu tư là vậy, trong quá trình nuôi thả, mỗi ngày số tiền thức ăn ông "đổ" vào mỗi lồng tôm cũng lên tới 13 - 14 triệu đồng. Chưa kể tiền thuê công nhân từ 6 - 10 triệu đồng/người/tháng. Đồng vốn vay từ ngân hàng giúp ông trang trải các chi phí này cho đến mùa thu hoạch. Năm nay, sau khi trừ chi phí hơn 5 tỷ đồng, ông Phúc ước tính "bỏ túi" gần 2 tỷ đồng!
Ông Trương Văn Vũ – Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Phú Yên cho biết, với các hộ nuôi tôm hùm trên địa bàn, chi nhánh luôn phối hợp với chính quyền, các hội, đoàn thể cơ sở lập danh sách khách hàng có nhu cầu vay vốn và phân công cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn thẩm định, giải ngân kịp thời. Đồng thời, nhằm chia sẻ áp lực tài chính và tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc phát triển các mô hình nuôi mới, Agribank chi nhánh tỉnh Phú Yên cũng luôn chủ động linh hoạt các mức lãi suất phù hợp đến từng đối tượng khách hàng. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, ngân hàng đã chủ động hạ lãi suất từ 2 - 2,5% cho khách hàng. Không chỉ là vậy, Agribank còn phối hợp Hội Nông dân tập huấn cho bà con về kỹ thuật nuôi trồng cũng như xử lý ô nhiễm vùng nuôi.
Đến 30/9/2023, Agribank Chi nhánh tỉnh Phú Yên cung cấp vốn vay nuôi tôm hùm với dư nợ là 1.473 tỷ đồng, chiếm hơn 11%/tổng dư nợ trên toàn tỉnh. Và nhờ nguồn vốn vay này nhiều bà con ngư dân đã tận dụng phát huy nuôi tôm hùm hiệu quả, vươn lên làm giàu chính đáng.
Nguồn hỗ trợ chính của người dân nuôi tôm ở thị xã Sông Cầu đến từ các ngân hàng, đặc biệt là Agribank. Toàn địa bàn thị xã dư nợ trên 3.000 tỷ đồng/năm, riêng Agribank cùng đồng hành với người nuôi từ 1.000 - 1.400 tỷ đồng/năm, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của thị xã.
Ông Lâm Duy Dũng
Phó Chủ tịch UBND Thị xã Sông Cầu – Phú Yên