Nuôi tôm công nghệ cao, thu hàng chục tỷ đồng/ha

09/11/2020 16:00 GMT+7
Sau gần 4 năm nuôi tôm thương phẩm công nghệ cao (nuôi tôm 3 giai đoạn), Công ty Cổ phần Thủy sản Tân An (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) chưa một vụ nuôi nào thất bại, sau khi thu hoạch tôm cho sản lượng bình quân 140 tấn/ha, doanh thu hàng chục tỷ đồng.

Nỗ lực vượt khó

Xuất phát điểm là một doanh nghiệp cung cấp thủy hải sản nhận được sự đầu tư góp vốn của Công ty Xuất nhập khẩu 2 Quảng Ninh. Sau đó, nhà nước có chủ trương cổ phần hoá doanh nghiệp quốc doanh. Vì lẽ đó, Công ty Xuất nhập khẩu Thuỷ sản 2 Quảng Ninh đã rút toàn bộ phần vốn tại Công ty Cổ phần Thuỷ sản Tân An để tập trung vào lĩnh vực chế biến thuỷ sản.

Nuôi tôm công nghệ cao, thu hàng chục tỷ đồng/ha - Ảnh 1.

Tôm ở ao ương giai đoạn 1, phải được chăm sóc cẩn thận, được nuôi trong bể xi măng, bố trí hệ thống oxy và mái che chắn.

Trong hoàn cảnh khó khăn, sóng gió và thách thức, khiến Công ty đứng trước muôn vàn khó khăn. Trao đổi với PV ông Ngô Hùng Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần Thuỷ sản Tân An nhớ lại: “Ngày đó tôi vẫn là thuyền trưởng đi thu mua nguyên liệu tại Khánh Hoà, Nha Trang, Cà Mau… (mua tôm he biển và mực) về cho Công ty chế biến. Công việc này giúp tôi tích lỹ được nhiều kinh nghiệm do tiếp xúc nhiều với người chăn nuôi, các mô hình nuôi tôm. Nhận thấy mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đầu tư chi phí thấp, ao nuôi đơn giản, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, cứ 4.000m2 cho thu hoạch được 10 tấn tôm thương phẩm.

“Sau khi đi học hỏi nhiều nơi, nhiều mô hình cộng với kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với thuỷ sản, tôi mạnh dạn xin bàn với ban lãnh đạo công ty về hướng và phương pháp nuôi tôm thẻ chân trắng và được đồng ý. Công ty đưa vào nuôi thử nghiệm 8 triệu con giống trên diện tích 8ha, Công ty giao chỉ tiêu thu hoạch sản lượng phải đạt 3 tấn/1ha, đến khi tôm thu hoạch cho sản lượng lên tới 6 tấn/ha. Sản lượng tiếp tục tăng cao từ 150 tấn/vụ, lên đến 750 tấn/vụ” – ông Ngô Hùng Dũng chia sẻ.

Công việc làm ăn của Công ty thuận lợi cho đến năm 2012, do tác động của biến đổi khí hậu nên việc nuôi tôm gặp nhiều khó khăn hơn, môi trường nước bị ô nhiễm khiến cho phương pháp nuôi tôm truyền thống của công ty không còn phù hợp.

Nuôi tôm công nghệ cao, thu hàng chục tỷ đồng/ha - Ảnh 2.

Tôm ở ao ương giai đoạn 2 đạt kích cỡ 700-800 con/kg.

“Đúng là bài học nào cũng có cái giá, năm 2014 đến năm 2016, Công ty cứ thả tôm xuống là chết, thả đến đâu chết đến đó. Nhận thấy nguồn nước không đảm bảo, mang nước đi test mới phát hiện nguồn nước ô nhiễm trầm trọng, quy trình xử lý ngày đó còn non quá. Cứ tháng này qua tháng khác cố thả tôm xuống để nuôi nhưng tôm chết nhiều quá, đến lúc không cứu vãn được nữa thì chấp nhận buông xuôi. Chỉ có 3 năm mà công ty lỗ gần 20 tỷ đồng vào nuôi tôm. Đây cũng là bài học xương máu phải trả giá bằng tiền của tôi” - ông Ngô Hùng Dũng tâm sự.

Vấp ngã ở đâu, đứng lên ở đó, không chấp nhận việc thất bại trong nuôi tôm khi bản thân đã gắn bó với con tôm nhiều năm nay, cùng với hàng chục công nhân đang làm việc gắn bó với công ty từ ngày đầu thành lập. ông Ngô Hùng Dũng quyết định tìm phương pháp nuôi tôm theo hướng đi mới, phát triển và nhân rộng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng.

Nuôi tôm công nghệ 3 giai đoạn

Ông Ngô Hùng Dũng cho biết, đầu năm 2017, tôi vào trong Cà Mau tiếp cận với mô hình nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn, học hỏi cách họ làm và kinh nghiệm của mô hình. Sau khi tiếp cận và trở về địa phương tôi đã tìm hướng đi riêng cho Công ty, người ta nuôi 2 giai đoạn thì tôi mạnh dạn nuôi 3 giai đoạn theo cách của mình.

Khác với việc nuôi tôm theo cách thông thường, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh gồm 3 giai đoạn của Công ty Cổ phần Thuỷ sản Tân An được áp dụng theo quy trình nghiệm ngặt, đảm bảo kỹ thuật, hệ thống nuôi được thiết kế gồm 3 ao.

Nuôi tôm công nghệ cao, thu hàng chục tỷ đồng/ha - Ảnh 3.

Ao nuôi thương phẩm giai đoạn 3.

Ao ương giai đoạn 1 (thời gian nuôi 25 ngày) tôm được nuôi trong bể xi măng, được lót bạt hoàn toàn, bố trí hệ thống oxy và mái che chắn, Tôm thả với mật độ 3.000 con/m2, tỷ lệ tôm sống vẫn đạt tới trên 90%, kích cỡ tôm đạt 1.800-2.000 con/kg. Kết thúc ương giai đoạn 1, tôm sẽ theo dòng chảy tự nhiên sang ao ương giai đoạn 2.

Ao ương giai đoạn 2 (thời gian nuôi 25 ngày) với diện tích 800m2, mật độ 400 con/m2. Kết thúc ương giai đoạn 2, tôm sẽ được đưa qua ao nuôi thương phẩm, lúc này tôm đã vượt qua giai đoạn thường mắc các bệnh nguy hiểm, đạt kích cỡ 700-800 con/kg, tỷ lệ sống đạt trên 80%.

Ao nuôi thương phẩm giai đoạn 3 (thời gian nuôi 30 ngày) với diện tích 1.600m2, với mật độ 200 con/m2, khi thu hoạch tôm đạt 55-60 con/kg tùy theo từng giai đoạn thời vụ, tỷ lệ sống đạt 80%.

Nuôi tôm công nghệ cao, thu hàng chục tỷ đồng/ha - Ảnh 4.

Tôm của Công ty Cổ phần Thuỷ sản Tân An được thu hoạch, doanh thu đạt 18 – 20 tỷ đồng/ha.

Anh Phan Thanh Tuấn, cán bộ kỹ thuật của công ty cho biết: “Nuôi tôm 3 giai đoạn quan trọng nhất là con giống, hai là nguồn nước, sau mới đến kỹ thuật. Trong ao ương phải bố trí hệ thống sục khí đảm bảo ôxy, nguồn điện phải chủ động, ao ương có mái che và được xây dựng cao triều, để khi san tôm chỉ cần rút ống xả, lúc này môi trường nuôi đã cân bằng từ trước nên tôm dễ thích nghi, hạn chế xây xát tôm. Nuôi tôm theo công nghệ này sẽ nuôi được nhiều vụ trong năm nhờ rút ngắn thời gian cải tạo ao, ít bị dịch bệnh do quy trình nuôi khép kín, đồng thời hạn chế tối đa việc xả thải ra môi trường”.

Bắt tay vào công nghệ nuôi tôm 3 giai đoạn, Công ty đã đầu tư 8 tỷ đồng vào thử nghiệm 1ha, nuôi 1.600 con tôm. Sau 3 tháng nuôi, tôm cho thu hoạch hơn hẳn trước đây, sản lượng bình quân đạt 140 tấn/ha, cho doanh thu đạt 18 - 20 tỷ đồng/ha/vụ, tôm cho thu hoạch 6 vụ/năm.

Từ những hiệu quả bước đầu nuôi tôm công nghệ 3 giai đoạn mang lại giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thời tiết, cùng với kinh nghiệm gắn bó với nuôi trồng thuỷ sản. Năm 2019 Công ty Cổ phần Thủy sản Tân An tiếp tục đầu tư, mở rộng ao nuôi lên 5ha. Mỗi năm công ty nuôi 50 triệu con tôm, cung cấp cho thị trường chủ yếu tại Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh, cho doanh thu khoảng 500 tỷ đồng/năm.

Với hướng đi đúng và theo cách riêng của công ty cùng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, nhằm mục đích đưa đến người tiêu dùng nguồn thủy sản chất lượng và an toàn nhất. Đến nay, Công ty Cổ phần Thủy sản Tân An đã khẳng định được vị thế, tên tuổi của mình trên thị trường thủy sản trong nước.

*Tựa bài do Etime đặt lại

Theo Tam Anh - Phạm Trang/Kinh tế Nông thôn
Cùng chuyên mục