Ôm loạt "đất vàng" Hanel bị kiểm toán nêu hàng loạt ý kiến ngoại trừ

07/04/2021 10:44 GMT+7
Công ty Cổ phần Hanel (UPCoM: HNE) vừa công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2020 với doanh thu cả năm giảm hơn 6% so với năm 2019, còn gần 791 tỷ đồng và bị kiểm toán nêu hàng loạt ý kiến ngoại trừ.

Báo cáo kiểm toán 2020 của Hanel cho biết, do sự gia tăng của chi phí quản lý cùng với sự suy giảm lợi nhuận từ các công ty HNE góp vốn, lãi ròng 2020 của Công ty giảm gần 73%, còn hơn 36 tỷ đồng, thực hiện được 61% kế hoạch đề ra.

Hanel bị kiểm toán nêu hàng loạt ý kiến ngoại trừ 

Đáng chú ý, tại báo cáo tài chính nói trên, Hanel đã bị kiểm toán nêu hàng loạt ý kiến ngoại trừ, trong đó ý kiến đầu tiên mà kiểm toán đưa ra là doanh nghiệp chưa trích lập dự phòng đối với khoản phải thu gần 103 tỷ đồng đã quá hạn thanh toán lâu ngày của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển N&G (N&G).

Theo đó, nếu Hanel thực hiện trích lập, chi phí quản lý năm 2020 sẽ tăng thêm 24 tỷ đồng, đồng thời, tăng chỉ tiêu dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi và giảm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cùng một khoản tương ứng bằng khoản phải thu trên.

Giải trình cho ý kiến này, phía HNE cho biết, sở dĩ doanh nghiệp chưa trích lập dự phòng là do đến thời điểm hiện tại, hai công ty vẫn chưa tìm được sự thống nhất trong việc xác nhận công nợ do Công ty N&G chỉ xác nhận công nợ đối với khoản 80 tỷ đồng tiền gốc. HNE đã gửi đơn khởi kiện và đang chờ cơ quan có thẩm quyền xử lý vụ việc nên chưa thể trích lập dự phòng vào BCTC.

Ôm một loạt "đất vàng": Hanel chưa thoái xong vốn, kinh doanh suy giảm và bị kiểm toán nêu hàng loạt ý kiến ngoại trừ - Ảnh 1.

Nguồn: HNE

Tiếp đó, Kiểm toán đưa ý kiến ngoại trừ thứ hai về việc Hanel chưa thu thập đầy đủ báo cáo tài chính của các doanh nghiệp mà Hanel đầu tư góp vốn, mà ghi nhận dựa trên các báo cáo tài chính từ năm 2019 trở về trước nên đơn vị kiểm toán chưa thể đánh giá ảnh hưởng của khoản đầu tư có tổng giá trị ghi sổ gần 23 tỷ đồng lên một số chỉ tiêu trên báo cáo tài chính 2020.

Ban lãnh đạo Công ty cho biết là do Công ty lập và phát hành BCTC kiểm toán sớm hơn quy định bắt buộc nên những doanh nghiệp HNE không nắm phần vốn chi phối vẫn chưa phát hành BCTC. Vì vậy, Công ty buộc phải trích lập dự phòng theo phân tích từ BCTC 2019 trở về trước.

Thứ ba, Kiểm toán cũng đưa ra ý kiến loại trừ khác, đó là Hanel vẫn chưa đánh giá giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho tồn đọng, chậm luân chuyển nên đơn vị không thể đánh giá được khoản dự phòng cần thiết cho chỉ tiêu này tại ngày kết thúc báo cáo tài chính (31/12/2020).

Giải trình cho các khoản mục của ý kiến này, Hanel cho rằng các dự án được đề cập đang gặp phải một số vấn tồn động, đơn cử như dự án đang chờ nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện cung cấp dịch vụ; dự án đang chờ tạm dừng hoạt động và tìm kiếm nhà đầu tư để chuyển giao dịch vụ; dự án đang trong giai đoạn tái cấu trúc do gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh; dự án đang gặp trở ngại do sản phẩm chưa đạt yêu cầu để được cấp pháp và đưa vào khai thác.

Ý kiến thứ 4, về vấn đề Công ty đang ghi nhận tiền thuê đất phải nộp bổ sung năm 2018 và 2019 tại KCN Sài Đồng B nhưng không thực hiện điều chỉnh hồi tố gần 16 tỷ đồng, HNEcho biết do sự thay đổi trong đơn giá thuê đất nên ngày 31/03, Công ty đã nhận được thông báo điều chỉnh số tiền thuê phải nộp từ Chi cục thuế quận Long Biên và đã tiến hành nộp đầy đủ theo thông báo.

Ý kiến cuối cùng đơn vị kiểm toán đưa ra là việc Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh thương mại Hanel (công ty con) chưa thực hiện trích lập đầy đủ dự phòng phải thu khó đòi với số tiền cần trích lập hơn 9 tỷ đồng.

Hanel cho biết, do công ty con này đang gặp vấn đề trong việc đối chiếu công nợ vì khách hàng chỉ xác nhận nhưng không cam kết thời gian trả nợ gây khó khăn trong việc thu hồi, đặc biệt là đối với một số doanh nghiệp đã ngừng hoạt động nên công ty thành viên này vẫn chưa thể trích lập hợp lý khoản phải thu khó đòi trên.

Ôm một loạt "đất vàng": Hanel chưa thoái xong vốn, kinh doanh suy giảm và bị kiểm toán nêu hàng loạt ý kiến ngoại trừ - Ảnh 2.

Cơ cấu cổ đông HNE. Nguồn HNE

UBND Tp. Hà Nội vẫn chưa hoàn tất thoái vốn

Trước đó, như Dân Việt đã thông tin, kết thúc năm 2020, cổ đông lớn của Hanel là UBND TP Hà Nội vẫn chưa thoái khỏi Hanel mặc dù Thủ tướng đã có "deadline" theo quyết định số 908 ngày 29/6/2020.

Đáng nói, theo lộ trình, UBND TP. Hà Nội đáng lẽ đã thoái vốn từ 2018. Mặc dù đã rất cố gắng tuy nhiên Công ty vẫn đang gặp nhiều vướng mắc do các quy định của Nhà nước. Điều này nằm ngoài khả năng kiểm soát của công ty nên công ty chưa xác định được thời điểm thoái vốn thành công.

Đến năm 2019, công tác thoái vốn nhà nước tại Hanel vẫn tiếp tục gặp một số vướng mắc, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa giải quyết xong.

Theo ông Nguyễn Đình Vinh, Chủ tịch HĐQT Hanel, việc chưa thoái vốn nhà nước ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh và triển khai các dự án của Công ty.

Nguyên nhân là do còn nhiều bất cập trong quy định pháp luật về chuyển nhượng cổ phần nhà nước và quy định về phương án sắp xếp lại các cơ sở nhà đất nên việc thoái vốn bị kéo dài, đặc biệt là xác định giá khởi điểm cổ phần. Khi xác định được giá khởi điểm cổ phần, Hanel sẽ thực hiện chào bán cổ phần công khai để các nhà đầu tư trong và ngoài nước căn cứ vào đó để đầu tư vào Hanel.

Về quỹ đất, Hanel đang sở hữu một số lô đất có giá trị lớn như số 2 Chùa Bộc có diện tích 2.660 m2 và A12 Khương Thượng có diện tích 221,9 m2 (cùng ở quận Đống Đa); số 128C Đại La, quận Hai Bà Trưng có diện tích 413,6m2; số 36 Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm có diện tích 92,9 m2; đặc biệt là khu công nghiệp Sài Đồng B, quận Long Biên có diện tích 242.274 m2.

Dự án Khu đô thị khoa học, công nghệ, tài chính Hanel - Tân tạo rộng 270 ha với tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng tại huyện Gia Lâm; Dự án Khu công viên công nghệ phần mềm Hà Nội với tổng diện tích hơn 43 ha; điểm thông quan Cảng cạn Cổ Bi với diện tích 19,2 ha.

Ngoài ra, công ty cũng có 2 địa điểm thuê đất nhà nước đã chuyển mục đích sử dụng để thực hiện dự án, bao gồm số 60 Nguyễn Đức Cảnh có diện tích 6.136 m2 và số 409 Lĩnh Nam (cùng ở quận Hoàng Mai) có diện tích 4.285 m2.

Tại Lô 02-E9 Phạm Hùng, quận Cầu Giấy có diện tích 4.188 m2, Công ty đang hợp tác với Công ty CP Đầu tư Alphanam với tỷ lệ 20% - 80% để triển khai tòa tháp thương mại điện tử và văn phòng cao 45 tầng. Khi hoàn thành, Alphanam sẽ được thuê 65% diện tích của Dự án trong 45 năm tương ứng với tỷ lệ góp vốn 80% (1.097 tỷ đồng) để thực hiện xây dựng Dự án.

Không chỉ vậy, Hanel và Đầu tư Alphanam còn hợp tác triển khai Dự án Khu đô thị Hanel - Alphanam quy mô lên tới 525.300 m2 tại phường Phúc Đồng, quận Long Biên. Hai bên sẽ thành lập liên doanh phát triển Dự án, trong đó Hanel góp 20% bằng tiền vay từ Công ty CP Đầu tư Alphanam.

Đáng chú ý, công ty cũng góp vốn bằng đất đến 29.500 m2 tại dự án xây dựng và kinh doanh khách sạn tại số 360 Kim Mã, quận Ba Đình, trong khi tổng dự án là 30.406 m2.

Quang Dân
Cùng chuyên mục