“Ôm” nợ 15.000 tỷ, Vinachem vẫn “xin” Thủ tướng chỉ đạo ngân hàng cho vay thêm

Trần Giang Thứ sáu, ngày 16/09/2016 12:00 PM (GMT+7)
Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc đang thua lỗ hơn 3.800 tỷ đồng, nợ ngân hàng 12.256 tỷ đồng chưa có nguồn trả nhưng Vinachem vẫn gửi đề nghị lên Bộ Công thương để kiến nghị Thủ tướng ưu đãi cho hai doanh nghiệp này, trong đó có đề xuất BIDV, Vietcombank và Vietinbank tiếp tục cho vay thêm.
Bình luận 0

Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa có một loạt đề nghị đối với Bộ Công thương để kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ  tạo điều kiện cho các công ty mà Vinachem quản lý, trong đó có hai dự án nhà máy phân bón của Công ty TNHH MTV Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc) và Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình (Đạm Ninh Bình).

Lỗ hơn 3.863 tỷ đồng, nợ 15.000 tỷ đồng, vẫn muốn vay thêm

Cụ thể, Vinachem đề nghị Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo NHNN chỉ đạo người đại diện vốn tại các NHTM  (Vietcombank, Vietinbank, BIDV) cho Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc vay vốn để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh.

Điều đáng nói, dự án nhà máy Đạm Ninh Bình từ khi đi vào hoạt động đến hết tháng 6.2016 đã lỗ tổng cộng gần 2.700 tỷ đồng, còn nợ tính đến cuối 2015 là hơn 8.300 tỷ đồng. "Người anh em" Đạm Hà Bắc cũng là một gương mặt thua lỗ nặng. Riêng trong năm 2015, doanh nghiệp này lỗ 665 tỷ đồng, dự kiến năm 2016 lỗ khoảng 488 tỷ đồng.

img

Đạm Hà Bắc đang lỗ khoảng 1.100 tỷ đồng và nợ ngân hàng 6.711 tỷ đồng

Không chỉ lỗ nặng, hai doanh nghiệp này còn đang “ôm” 15.000 tỷ đồng nợ vay ngân hàng. Cụ thể, theo báo cáo, tổng các khoản nợ tính đến cuối năm 2015 của Đạm Ninh Bình đã vượt 8.300 tỷ đồng. Trong đó, báo cáo tài chính năm 2015 của Vinachem cho thấy Đạm Ninh Bình đang vay BIDV Chi nhánh Hồ Tây 43,2 tỷ đồng thời hạn 12 tháng, đến cuối năm 2016 đáo hạn.

Ngoài ra, Đạm Ninh Bình còn có khoản vay tại Ngân hàng Eximbank Trung Quốc trị giá 250 triệu USD, lãi suất ưu đãi 4%/năm, cố định trong vòng 15 năm. Năm 2015, Vinachem đã phải cho Đạm Ninh Bình vay 366 tỷ đồng để trả nợ phía Trung Quốc, năm 2016 dự kiến số phải trả là 563 tỷ đồng lãi vay.

Đạm Ninh Bình còn có khoản vay tại Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) với số tiền là 2.708 tỷ đồng. Đây là số dư nợ gốc đến thời điểm 29.02.2016 tại VDB, bao gồm 2.669 tỷ đồng tiền VND và 1,7 triệu USD, tương đương 2.708 tỷ đồng.

“Người anh em” Đạm Hà Bắc cũng không khá hơn. Theo báo cáo tài chính năm 2015 của Vinachem, Đạm Hà Bắc có dự nợ là 6.711 tỷ đồng, trong đó, vay Vietinbank và các ngân hàng đồng tài trợ bằng USD, trị giá tương đương VND là 2.636 tỷ đồng, với lãi suất 2,5%/năm và đến năm 2031 đáo hạn.

Ngoài ra, Vietinbank chi nhánh Bắc Giang còn cho vay USD với lãi suất 2,5%/năm, trị giá tương đương VND là 658 tỷ đồng, đến năm 2031 đáo hạn. BIDV chi nhánh Bắc Giang cho vay 3.126 tỷ đồng với lãi suất thả nổi đến năm 2023 đáo hạn. Vay vốn ODA tại VDB là 188 tỷ đồng, đến năm 2020 đáo hạn.

Vietinbank cho vay USD trị giá quy đổi ra VND là 50,5 tỷ đồng và Vietcombank cho vay 50,5 tỷ đồng bằng với lãi suất 6%/năm.

“Xin” hàng loạt ưu đãi về giảm lãi suất, hoãn trả nợ

Điều đáng nói, những khoản vay này đến nay dường như không có khả năng trả nợ, bởi vậy Vinachem đã xin được hoãn trả nợ, giảm lãi suất.

Cụ thể, với khoản vay của Đạm Ninh Bình tại VDB là 2.708 tỷ đồng, Vinachem đề nghị cho phép chuyển nợ vay thành vốn đầu tư của Nhà nước tại tập đoàn. Nếu được chấp thuận, vốn đầu tư sẽ không dừng lại ở con số 660 USD như ban đầu.

Trong trường hợp không được chuyển nợ thành vốn góp, Vinachem đề nghị cho phép khoanh nợ khoản vay tại VDB trong thời gian 5 năm (từ 2016 đến 2020), không trả nợ gốc và không tính lãi phát sinh trong 5 năm.

imgĐạm Ninh Bình hiện đang lỗ 2.700 tỷ đồng và vay nợ ngân hàng hơn 8.000 tỷ đồng

Vinachem cũng có đề nghị như vậy với khoản nợ vay của dự án nhà máy Đạm Ninh Bình tại Ngân hàng Eximbank Trung Quốc trong thời gian 5 năm, từ 2016 – 2020, không trả nợ gốc và không tính lãi phát sinh trong 5 năm.

Vinachem cũng đề nghị Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng cho phép khoản nợ khoản vay của dự án cải tạo – mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc tại VDB (Dư nợ đến thời điểm 29.2.2016 là 3.956 tỷ đồng) trong thời hạn 5 năm, không trả gốc và không tính lãi vay.

Về lãi suất, Vinachem cũng đề nghị cho phép điều chỉnh giảm lãi suất đối với toàn bộ dư nợ gốc vay tại VDB cho dự án Đạm Ninh Bình (371 tỷ đồng) và Dự án cải tạo – mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc (3.044 tỷ đồng) có lãi suất trên 8,55%/năm về mức 8,55%. Riêng công ty Đạm Hà Bắc được giãn trích khấu hao 50% cho năm 2016, 2017 và 30% cho năm 2018.

Đề nghị Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng cho phép Công ty Đạm Hà Bắc được giãn trích khấu hao 50% cho năm 2016, 2017 và 30% cho năm 2018, tương tự cơ chế đã được chấp thuận cho Công ty Đạm Ninh Bình.

Ngoài ra, Vinachem còn đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế bán than của Tập doàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho sản xuất phân bón bằng 80% so với giá than hiện nay tập đoàn này đang bán cho sản xuất phân bón đặc biệt đội với phân bón ure. Thời gian áp dụng là 36 tháng, tính từ 1.7.2016.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem