Chủ đầu tư tòa chung cư CT3 nói gì về lùm xùm tranh chấp với người dân?
Cụ thể, từ tháng 9/2019 đến nay, gần 30 hộ dân trên tổng số 87 hộ tại chung cư CT3 81 Lê Đức Thọ do Công ty CP Bất động sản Hà Nội làm chủ đầu tư đã lần lượt bị cắt nước. Quá bức xúc, mới đây cư dân và ban quản trị tòa nhà đã "tố" thêm hàng loạt vi phạm của chủ đầu tư.
Theo chia sẻ của người dân tại đây, lý do cắt nước mà chủ đầu tư lý giải là các hộ dân đang nợ phí quản lý vận hành, trông giữ xe 2 năm qua. Nhưng nhiều hộ dân cho rằng, điều này là vô lý khi Ban quản trị không ký hợp đồng vận hành quản lý tòa nhà với Công ty C'land.
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, trong đăng ký, Chủ đầu tư chung cư CT3 C'land là Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Hà Nội (C'Land). Phần giới thiệu nêu, xuất phát điểm của C'Land là "Tổng đội Thanh Niên xung phong Tình Nguyện kiến thiết Thủ đô", thành lập ngày 20/10/1970.
Sau đó, đổi tên thành Công ty xây dựng Thanh Niên Hà Nội, rồi Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 25. Sau đó, là Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hà Nội (C'Land).
Toà nhà chung cư CT3 - 81 Lê Đức Thọ được bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2014. Những mâu thuẫn xảy ra tại tòa nhà chung cư CT3 Lê Đức Thọ là do nhiều lần CĐT gửi văn bản cho Ban quản trị nhà chung cư CT3 - Lê Đức Thọ đề nghị nhận bàn giao phần sở hữu chung – sở hữu riêng nhưng BQT không hợp tác nhận bàn giao theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với ông Mai Hoàng Anh, Phó Giám đốc, Công ty C'Land cho biết, do việc bàn giao diện tích sở hữu chung – sở hữu riêng tại Tòa nhà chưa thực hiện được nên Sở xây dựng Hà Nội đã hướng dẫn CĐT tiếp tục thực hiện công tác quản lý vận hành đến khi phân định xong sở hữu chung riêng theo quy định tại Điều 27 của Thông tư số 02/2016/TT-BXD.
Cụ thể, tại Công văn số 12356/SXD-QLN ngày 22/12/2017 của Sở xây dựng Hà Nội đã hướng dẫn rõ:"...Trong thời gian hai bên chưa hoàn thành xong việc phân định sở hữu chung, sở hữu riêng tại tòa nhà và chưa bàn giao công tác quản lý vận hành, đề nghị Chủ đầu tư phối hợp với các bên liên quan (chủ sở hữu, sử dụng nhà chung cư) thực hiện công tác quản lý, sử dụng đảm bảo công tác quản lý vận hành của tòa nhà….
Lý giải về cách vận hành toà nhà, ông Mai Hoàng Anh cho rằng: "Thực tế, Công ty cũng là đơn vị trực tiếp thanh toán toàn bộ chi phí liên quan đến công tác quản lý vận hành, cung cấp dịch vụ và duy trì mọi hoạt động của tòa nhà từ khi đưa vào sử dụng đến nay như: Lương CBCNV, tiền điện, nước, thu gom rác thải, PCCC, chi phí sửa chữa bảo trì các hệ thống kỹ thuật của tòa nhà...".
"Tuy nhiên, cư dân không đóng phí quản lý vận hành, phí trông giữ xe và tự ý thu phí dịch vụ nhưng không bàn giao cho đơn vị quản lý vận hành của chủ đầu tư, số tiền nợ lên tới gần 2 tỷ đồng trong suốt hơn 2 năm qua đã gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý vận hành tòa nhà", ông Mai Hoàng Anh nêu rõ.
Theo ông Mai Hoàng Anh, để giải quyết những mâu thuẫn trên, đơn vị đã báo cáo đến các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền và BQT cũng đã nhiều lần khiếu nại đến nhiều cơ quan và đã được phúc đáp, trả lời nhưng BQT vẫn chưa phối hợp giải quyết.
Hiện nay, Công ty tiếp tục báo cáo các cấp có thẩm quyền và tuyên truyền vận động để các hộ dân hiểu rõ, đóng phí quản lý vận hành theo đúng quy định. Trong quá trình tuyên truyền vận động, giải thích rõ các cơ sở pháp lý, đến nay đã có thêm nhiều hộ dân đóng phí quản lý vận hành và Công ty đã cung cấp lại nước sinh hoạt cho các hộ dân này.
Đối với thông tin về cổ đông, ông Mai Hoàng Anh cho rằng: "Năm 2017, cổ đông Tổng Công ty Handico đã tổ chức đấu giá thành công thoái toàn bộ phần vốn Nhà nước tại Công ty. Như vậy, Công ty không còn phần vốn Nhà nước".
"Về công tác quản lý cổ đông của Công ty: Các cổ đông được tự do chuyển nhượng cổ phần mình đang sở hữu và việc chuyển nhượng này diễn ra thường xuyên, luôn đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật và hiện nay không có cổ đông lớn nào sở hữu trên 10% vốn điều lệ", ông Mai Hoàng Anh cho biết.