Ông Đậu Anh Tuấn: "Cải cách không phải để trình diễn"
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá cải cách điều kiện kinh doanh có thể coi là thương hiệu của Chính phủ nhiệm kỳ này và từ năm 2016 tới nay, hàng nghìn điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ.
Mặc dù số lượng nhiều, chất lượng cải cách là vấn đề cần bàn tới. Theo điều tra của VCCI năm 2019, doanh nghiệp đánh giá cao hơn sự chuyển động về cắt giảm điều kiện kinh doanh và tỷ lệ khó khăn trong kinh doanh có giảm đi. Tuy nhiên, nếu nhìn lại thì khái niệm điều kiện kinh doanh chưa rõ, vẫn còn lẫn lộn giữa điều kiện kinh doanh và tiêu chuẩn kỹ thuật.
Theo ông Tuấn, những vấn đề nổi cộm hiện nay xuất phát từ tư duy, cách thức quản lý chưa đảm bảo quyền tự do kinh doanh, nhiều điều kiện kinh doanh đặt ra mà không có mục đích rõ ràng theo quy định.
Các cơ quan vẫn sử dụng các biện pháp quản lý hành chính vào thị trường, can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó hạn chế tự do kinh doanh, có nguy cơ tạo ra độc quyền.
Nhiều quy định đưa ra chưa có đánh giá về tác động kinh tế, chi phí lợi ích. Không chỉ vậy, thực tế còn có hiện tượng một số các doanh nghiệp lớn đã vận động đưa ra những rào cản thị trường để hạn chế sự tham gia của các doanh nghiệp khác và đây là điều có hại cho người tiêu dùng, gây méo mó thị trường.
"Cải cách không phải để trình diễn, đưa ra con số, khẩu hiệu hay. Suy cho cùng, khi cải cách thì hiệu quả cho nền kinh tế, lợi ích cho người dân mới là quan trọng nhất", ông Tuấn nhấn mạnh.
Trả lời phỏng vấn bên lề hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM, đánh giá thời gian qua, cắt giảm điều kiện kinh doanh luôn được nhắc đến là một nhiệm vụ trọng tâm của cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh.
Về phía Nhà nước, điều kiện kinh doanh là công cụ quản lý nhưng đối với doanh nghiệp lại là rào cản, làm tăng chi phí, khiến thị trường méo mó và khiến việc gia nhập thị trường đòi hỏi chi phí cao hơn.
Ông Cung cho biết vào năm 2017, ban đầu kiến nghị cắt bỏ 3/4 số điều kiện kinh doanh có tại thời điểm đó và giảm còn 50% trong kiến nghị cuối cùng trình lên Thủ tướng. Tuy nhiên, văn bản được ban hành lại chỉ đề cắt giảm và đơn giản hóa.
"Cắt giảm và đơn giản hóa làm nhiệm vụ, yêu cầu cải cách nhẹ hơn rất nhiều, khiến mục tiêu cải cách rất mờ, không biết cắt bao nhiêu, đơn giản hóa là gì. Nhiều khi chỉ thay một cái tên, bỏ một cái hồ sơ hay bỏ một nội dung trong một hồ sơ cũng là đơn giản hóa", ông Cung phân tích.
Năm 2018, các bộ cũng khá rầm rộ trong việc chỉ đạo, nhiều nghị định mới được ban hành nhưng cho đến nay, không ai biết được thực chất ra sao.
"Tôi cho rằng thực chất không được bao nhiêu vì mục tiêu quá mờ, không thể đánh giá được. Đơn giản hóa thì trên thực tế, điều kiện vẫn có thể tồn tại và khi đó, sẽ có hàng trăm hàng nghìn cách thực hiện khác nhau khiến hiệu quả thực tế không mang lại tác động bao nhiêu", ông Cung nhấn mạnh thêm.
Chia sẻ đồng quan điểm, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh tại CIEM Nguyễn Minh Thảo đánh giá điều kiện kinh doanh được cắt bỏ chủ yếu dưới hình thức đơn giản hóa, ít cắt bỏ, giảm mức độ yêu cầu về số lượng nhân sự hoặc giảm yêu cầu về quy mô diện tích của cơ sở vật chất, thể hiện dưới hình thức sửa đổi.
Hiện tại, vẫn còn một số điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, không đạt hiệu quả quản lý, thiếu rõ ràng.
"Mặc dù đã đạt được một số hiệu quả nhất định song những vướng mắc về rào cản về điều kiện kinh doanh vẫn còn phổ biến. Đặc biệt, cảm nhận của doanh nghiệp về hiệu quả cải cách điều kiện kinh doanh vẫn còn hạn chế", bà Thảo cho biết.
Bà cho rằng các bộ, ban, ngành cần tạo đột phá mới về cải cách điều kiện kinh doanh bằng cách thay đổi cách thức quản lý nhà nước, chuyển sang hậu kiểm trong thời gian tới.
Theo đó, doanh nghiệp được chủ động thực hiện các hoạt động kinh doanh khi đáp ứng được đầu đủ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh; chỉ cần thông báo mà không cần xin phép cơ quan quản lý Nhà nước; đồng thời tự chịu trách nhiệm về việc đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh.
Các bộ, ngành cần đánh giá hiệu quả cải cách trong từng lĩnh vực, ước tính lợi ích từ hoạt động cải cách trong thời gian qua; tiếp tục rà soát, đề xuất, bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh.
Bên cạnh đó, cần giám sát việc tổ chức, xử lý nghiêm những hành vi cố tình gây khó cho doanh nghiệp; đồng thời, thiết lập cơ chế đối thoại và phản hồi cho doanh nghiệp.