Ông lớn công nghệ và cuộc cạnh tranh trong thị trường đồng hồ thông minh

11/11/2019 06:30 GMT+7
Bên cạnh điện thoại thông minh (smartphone), tivi thông minh (smartTV), giới công nghệ chuẩn bị chứng kiến một cuộc chiến mới giữa các ông lớn: đồng hồ thông minh (smartwatch)

Đồng hồ thông minh (smartwatch) đã bắt đầu nhen nhóm ra đời theo xu hướng của người tiêu dùng hiện đại, luôn di động và muốn cập nhật nhiều dạng thông tin trên cùng một thiết bị. Thiết bị này phải thật nhỏ gọn, tiện ích, có thể mang theo bên người bất cứ lúc nào. Với sự hiện đại, cân đối, nằm gọn trên cổ tay, một chiếc smartwatch dường như là một lựa chọn hoàn hảo.

Ông lớn công nghệ và cuộc cạnh tranh trong thị trường smartwatch - Ảnh 1.

Trong quý I năm 2019 đã có gần 50 triệu chiếc smartwatch được bán ra trên toàn cầu, tăng hơn 50% so với 2018. Không phải ngẫu nhiên mà những chiếc đồng hồ thông minh được bán ra với số lượng "khủng" như vậy. Theo các chuyên gia, 90% nguyên nhân chúng được ưa chuộng là là những lợi ích liên quan đến sức khỏe chúng mang lại. Thay vì một chiếc máy đo huyết áp cồng kềnh, một chiếc đồng hồ được tích hợp các chức năng hiện đại như đo huyết áp, đo nhịp tim, đếm số bước chân, thậm chí cảnh báo đột quỵ,…

Bên cạnh đó, gọi chúng là "thông minh" vì những chiếc đồng hồ này có thể kết nối với điện thoại và có đầy đủ các chức năng như một chiếc điện thoại thu nhỏ. Ngoài ra, yếu tố thời trang cũng là một trong nhiều nguyên nhân smartwatch được ưa chuộng trên toàn cầu.

Các thiết bị đeo thông minh đã được các hãng công nghệ phát triển từ khá sớm, trong đó Garmin và Fitbit là những thương hiệu đi tiên phong. Nhận ra thị trường đầy tiềm năng, nhiều "ông lớn" công nghệ cũng bước chân vào lĩnh vực này. Trong số đó, Apple từ chỗ là "lính mới" của thị trường thiết bị đeo thông minh đã nhanh chóng vươn lên ngôi vị trí số 1 của thị trường công nghệ béo bở này nhờ chiến lược phát triển khôn ngoan khi tận dụng được tối đa hệ sinh thái IOS.

Apple và Xiaomi đang lần lượt chia nhau vị trí thứ 1 và 2 trên thị trường smartwatch. Nếu như Apple watch chiếm lĩnh 18% với thiết kế thời thượng và hệ sinh thái đáp ứng được đa số người dùng thì Mi Band của Xiaomi lại thuyết phục người dùng bằng một mức giá rẻ, thiết kế đơn giản. Bởi vậy, thương hiệu từng đi đầu như Fitbit giờ đang dần hụt hơi ở thị trường thiết bị đeo thông minh, đặc biệt là smartwatch. Dù vẫn đứng thứ hai tại thị trường Bắc Mỹ, cái tên này đã bị tụt lại khá xa trên phạm vi toàn thế giới khi chỉ còn đứng ở vị trí thứ 5. Sau nửa đầu năm 2019 đầy khó khăn, Fitbit thậm chí còn được cho là đã tự rao bán mình hồi tháng 7. Việc thiếu một hệ điều hành đủ mạnh và hệ sinh thái hỗ trợ được coi là nguyên nhân chính dẫn đến sự sa sút này của Fitbit.

Ông lớn công nghệ và cuộc cạnh tranh trong thị trường smartwatch - Ảnh 2.

Apple và Xiaomi đều chiểm khoảng 18% thị trường các thiết bị có thể đeo (wearable) trong quý I năm nay

Sự mất dần thị trường trong "thế giới công nghệ cổ tay" của Fitbit cũng chính là thị trường cạnh tranh khốc liệt mặt hàng này. Tất cả những ông lớn này đều dang chật vật kiếm cho mình một chỗ đứng vững chắc và dĩ nhiên sẽ có người bỏ cuộc. Motorola đã quyết định từ bỏ hẳn mảng đồng hồ thông minh để tập trung vào sản xuất điện thoại, Pebble đã phải bán mình, Jawbone cũng đã phải đóng cửa không hẹn gặp ngày trở lại…

Có thể thấy "miếng bánh" trong thị trường đồng hồ thông minh chưa bao giờ là "dễ xơi", với cả các "ông lớn". Bởi vậy trong tương lai, các công ty nên tập trung phát triển sản phẩm của mình hoàn thiện hơn, có giá cả cạnh tranh hơn và có những đặc điểm riêng nổi trội để có thể cạnh tranh và đứng vững trên thị trường quốc tế. 

Mai Trang
Cùng chuyên mục