Panasonic sắp chuyển sản xuất thiết bị gia dụng từ Thái Lan sang Việt Nam
Nhà máy Panasonic tại Thái Lan sẽ ngừng sản xuất sản phẩm máy giặt vào tháng 9 và tủ lạnh vào tháng 10, sau đó chính thức đóng cửa từ tháng 3/2021. Trung tâm nghiên cứu và phát triển của Panasonic đặt ở khu vực lân cận cũng sẽ ngừng hoạt động.
Khoảng 800 nhân viên đang làm việc tại nhà máy sẽ bị sa thải nhưng nhận được sự giúp đỡ tìm kiếm việc làm từ Panasonic để ổn định cuộc sống sau khi nhà máy đóng cửa.
Dây chuyền sản xuất tủ lạnh và máy giặt dự kiến được chuyển sang nhà máy tại Việt Nam nằm gần Hà Nội. Panasonic dự kiến sẽ biến nhà máy này thành trung tâm sản xuất tủ lạnh và máy giặt lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á với công suất vượt mức. Với việc chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam, Panasonic đang tìm cách cắt giảm chi phí sản xuất thông qua một quy trình sản xuất tập hợp, thống nhất. Dự kiến, sau quá trình dịch chuyển nhà máy, tổng sản lượng của Panasonic không đổi.
Động thái mới nhất của Panasonic được nhận định là sự phản ánh giai đoạn mới trong ngành sản xuất tại thị trường Đông Nam Á. Bắt đầu từ thập niên 70 của thế kỷ XX, các nhà sản xuất thiết bị điện tử Nhật Bản đã tìm cách chuyển dịch dây chuyền sản xuất sang các thị trường Singapore hay Malaysia khi đồng yên tăng giá vì tỷ giá hối đoái thả nổi, khiến Nhật Bản mất đi lợi thế cạnh tranh giá.
Khi chi phí nhân công và sản xuất tại Singapore trở nên quá đắt đỏ, các công ty Nhật Bản chuyển hướng sang các thị trường như Thái Lan. Và giờ đây, các quốc gia Đông Nam Á khác với dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào, chi phí thấp như Việt Nam, Indonesia hay Philippines lại trở thành điểm đến tiềm năng hơn.
Panasonic hiện đang đặt nhà máy sản xuất quy mô 8.000 công nhân tại Việt Nam, với các sản phẩm chủ lực bao gồm TV, smartphone, thiết bị thanh toán thẻ và các thiết bị công nghiệp điện tử. Hãng điện tử Nhật Bản đã bắt đầu sản xuất các thiết bị gia dụng tại Thái Lan từ năm 1979, nhưng giờ đây sắp chuyển hết dây chuyền sản xuất sang Việt Nam sau hơn 40 năm. Nguyên nhân chính được cho là Panasonic đang trong quá trình tái cơ cấu. Hãng đặt mục tiêu cắt giảm chi phí sản xuất 100 tỷ JPY (930 triệu USD) từ nay đến tháng 3/2022. Ngoài việc chuyển nhà máy sản xuất từ Thái Lan sang Việt Nam, hãng cũng đang xem xét những kế hoạch tiếp theo để giảm tối thiểu chi phí vận hành, gia tăng cơ cấu lợi nhuận.
Với lợi thế nguồn nhân công rẻ, lực lượng lao động trẻ và dồi dào, Việt Nam ngày càng trở thành điểm đầu tư tiềm năng, hấp dẫn được nhiều đại gia công nghệ thế giới lựa chọn. Mới đây, Apple được cho là đang xem xét mở rộng sản xuất tại Việt Nam khi căng thẳng Mỹ - Trung leo thang do cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19. Các nguồn tin cho biết Apple hiện đã hợp tác với nhà sản xuất Goertek và Luxshare để sản xuất tai nghe AirPods tại Việt Nam, trong đó có dòng tai nghe chất lượng cao over-ear AirPods Studio. Đây là lần đầu tiên Apple sử dụng các nhà máy ở Việt Nam để sản xuất sản phẩm mới ngay từ đầu, thay vì lựa chọn Việt Nam để mở rộng cơ sở sản xuất nhằm tăng sản lượng.
Trước đó, Samsung cũng chuyển hoàn toàn dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang miền Bắc Việt Nam khi thương chiến Mỹ Trung bùng nổ gây áp lực lớn cho chuỗi cung ứng thương mại toàn cầu.