Phân bón sẽ chịu thuế giá trị gia tăng 5%
Nếu được Quốc hội thông qua, từ năm 2021, phân bón sẽ từ diện không chịu thuế GTGT sang mặt hàng chịu thuế 5%.
Theo dự thảo Nghị quyết, mặt hàng phân bón sẽ được đánh thuế GTGT ở mức 5% thay vì không chịu thuế như hiện tại. Nhờ đó, các doanh nghiệp sản xuất được hoàn thuế GTGT cho chi phí đầu vào, làm giảm giá vốn hàng bán và cải thiện biên lợi nhuận.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón, vốn đang không chịu thuế đầu vào và đầu ra, sẽ đánh mất lợi thế về thuế, qua đó giảm sức cạnh tranh so với hàng nội địa.
Theo tính toán của Hiệp hội phân bón, chi phí thuế GTGT chiếm tỷ trọng lớn hơn trong giá vốn hàng bán của các nhà sản xuất ure do hơn 50% nguyên liệu đầu vào phải chịu thuế GTGT, trong khi phần lớn nguyên liệu đầu vào của các nhà sản xuất NPK hiện đang được miễn thuế.
Khi đầu ra có thuế 5%, các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được khấu trừ hoặc hoàn một số loại thuế của chi phí đầu vào, nên giá thành sản xuất sẽ giảm xuống, thời gian và khấu hao tài sản cũng giảm đi, khi đó giá thành phân bón giảm nên giá bán cũng sẽ có cơ hội để giảm tỷ thuận theo.
Việc thay đổi chính sách thuế GTGT cho ngành phân bón đã được đề xuất từ năm 2017 trong Dự thảo Luật sửa đổi 6 luật thuế, tuy vậy việc đánh giá Luật mới này đã bị hoãn lại do độ phức tạp của việc thay đổi luật.
Từ đó đến nay, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã đề xuất với các bộ, ngành kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét, thông qua việc điều chỉnh, sửa đổi bổ sung. Theo đó sớm đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế VAT từ 0% đến 5% là điều hết sức cấp thiết đối với các đơn vị trong ngành.
Ông Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, sau khi bàn bạc, Hiệp hội đồng ý mức đề xuất thuế VAT 5% là phù hợp nhất, bởi với mức này nhà nước có thể thu đủ thuế và công bằng lợi ích cho tất cả các bên.
Việc sửa đổi Luật thuế 71 đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT từ 0% đến 5% được thông qua được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt khó khăn cho các đơn vị trong ngành SXKD trong nước, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành; giảm lượng phân bón nhập khẩu từ nước ngoài vào thị trường nội địa.
Đặc biệt, bà con nông dân cả nước sẽ được hưởng lợi nhờ giá cả phân bón thấp hơn, giảm giá trị vật tư đầu vào, cải thiện hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập đáng kể của ngành nông nghiệp cả nước.
Theo các chuyên gia, tác dụng lớn nhất của việc sửa thuế này là trả lại sự công bằng cho phân bón trong nước với phân bón nhập khẩu, tăng sức cạnh tranh của phân bón “made in Vietnam”, khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.
Hiện nay (khi chưa sửa Luật) thì phân bón nhập khẩu có lợi hơn do nguyên liệu rẻ, thuế nhập khẩu gần như không có nên giá bán luôn thấp hơn phân bón trong nước làm sản xuất nội địa đình đốn, không phát triển.