Phát hành lại hồ sơ đấu thầu gạo dự trữ quốc gia

17/04/2020 15:17 GMT+7
Từ 17/4, Tổng cục Dự trữ Nhà nước sẽ phát hồ sơ trên hệ thống, đến ngày 12/5 tổ chức đấu thầu lại 182.300 tấn gạo đưa vào dự trữ quốc gia.

Đại diện Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết, sẽ đấu thầu lại để thu mua đủ gạo. Và từ hôm nay (17/4), Tổng cục Dự trữ Nhà nước phát hồ sơ trên hệ thống để ngày 12/5 tổ chức đấu thầu lại 182.300 tấn gạo đưa vào dự trữ quốc gia. Trong số này có hơn 178.000 tấn gạo đã đấu thầu tháng trước với 28 doanh nghiệp trúng thầu nhưng phần lớn đã "xù", không ký hợp đồng để bàn giao gạo.

Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết mới chỉ ký hợp đồng được 7.700 tấn (đã nhập kho 3.280 tấn). Trong đó, 2 doanh nghiệp ký đủ số lượng gạo đã trúng thầu, 2 doanh nghiệp ký một phần số đã trúng thầu, còn lại 24 doanh nghiệp đã từ chối ký hợp đồng.

Phát hành lại hồ sơ đấu thầu gạo dự trữ quốc gia  - Ảnh 1.

Tổng cục Dự trữ Nhà nước sẽ đấu thầu thu mua đủ số gạo.

Theo Tổng cục Hải quan, có 4 đơn vị đã trúng thầu dự trữ quốc gia gạo với Tổng cục Dự trữ Nhà nước nhưng lại từ chối ký hợp đồng để giao gạo. Đến khi Thủ tướng cho nối lại xuất khẩu gạo, hải quan cho mở tờ khai xuất khẩu theo hạn ngạch 400.000 tấn, 4 đơn vị này lại đăng ký xuất khẩu đến hàng nghìn tấn.

Cụ thể, Tổng công ty Lương thực miền Bắc trúng thầu 4.500 tấn gạo, hiện chưa ký hợp đồng nhưng lại đăng ký 8 tờ khai xuất khẩu với số lượng 7.200 tấn. Công ty TNHH Phát Tài trúng thầu 17.940 tấn gạo, cũng đăng ký 5 tờ khai xuất khẩu, tổng khối lượng hơn 13.000 tấn.

Công ty CP Mỹ Tường và Công ty CP XNK Thuận Minh cũng nằm trong danh sách trúng thầu nhưng chưa ký hợp đồng với Cục Dự trữ Quốc gia khu vực. Tuy nhiên, hai doanh nghiệp này lại đăng ký tờ khai xuất khẩu trên 10.000 tấn.

Tổng cục Dự trữ Nhà nước dự kiến hoàn thành nhập kho hơn 180.000 tấn gạo trong tháng 6, chậm hơn kế hoạch ban đầu 15-30 ngày.

Dưới góc nhìn pháp lý về các trường hợp "xù" hợp đồng, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng, với trường hợp này có 2 tình huống xảy ra. Một là cứ theo lẽ thường, nhà thầu sẽ bị phạt 8% hợp đồng nếu không thực hiện. Tuy nhiên, do trường hợp này hợp đồng chưa ký thì bên nhà thầu sẽ bị mất số tiền đặt cọc khi đăng ký dự thầu (nếu có). Còn nếu trước đó nhà thầu không phải đặt cọc thì coi như 'bằng hoà'.

Trong trường hợp thứ 2 cần xét tới lý do trúng thầu nhưng lại 'bỏ chạy' của nhà thầu. Theo Công ước Quốc tế và Bộ Luật dân sự Việt Nam 2015 thì khi hoàn cảnh thay đổi, dẫn tới một bên không thể thực hiện được hợp đồng hay có thể thực hiện được nhưng quá khó khăn, nếu thực hiện sẽ gây thiệt hại lớn, thậm chí là phá sản cho doanh nghiệp, thì các bên phải ngồi lại để bàn bạc, thương thuyết làm sao giảm thiệt hại và đưa ra một mức giá điều chỉnh hợp lý.

Theo lý giải của các doanh nghiệp, nguyên nhân các nhà thầu trúng thầu gạo nhưng từ chối ký hợp đồng là vì ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhu cầu của thị trường xuất khẩu gạo tăng cao, giá gạo liên tục tăng từ thời điểm dự thầu tới khi có kết quả trúng thầu nên nhà thầu không thực hiện được và có văn bản từ chối ký hợp đồng. Như vậy có thể coi là lý do khách quan, không dự báo được trước. Muốn giải quyết được thì các bên cần ngồi lại và đưa ra một thoả thuận giá mới phù hợp với điều kiện hiện tại.

Nếu Cục DTNN không chấp nhận thoả thuận lại giá và nhất quyết yêu nhà thầu phải thực hiện cam kết hoặc yêu cầu xử lý thì có thể ra toà, lúc đó toà án sẽ có quyết định áp đặt.


PV
Cùng chuyên mục