Phát hành trái phiếu doanh nghiệp giảm hơn 25% trong 10 tháng qua

20/11/2022 07:09 GMT+7
Theo Bộ Tài chính, lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp có xu hướng giảm dần qua các quý trong năm 2022.

Bộ Tài chính vừa cho biết khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp 10 tháng năm 2022 đạt 328,9 ngàn tỉ đồng, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo cơ quan này, lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp có xu hướng giảm dần qua các quý của năm 2022. Cụ thể, quý I đạt 134,8 ngàn tỉ đồng, quý II là 122,4 ngàn tỉ đồng, quý III là 65,9 ngàn tỉ đồng và tháng 10/2022 đạt 5,8 ngàn tỉ đồng.

Cũng theo Bộ Tài chính, 46,48% trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành có tài sản đảm bảo; 53,52% không có tài sản đảm bảo, chủ yếu là trái phiếu của tổ chức tín dụng.

Phát hành trái phiếu doanh nghiệp giảm hơn 25% trong 10 tháng qua - Ảnh 1.

Sau vụ việc sai phạm của Tân Hoàng Minh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn

Theo Bộ Tài chính, các trái phiếu doanh nghiệp là nhóm phát hành lớn nhất, chiếm 41,34% tổng khối lượng phát hành. Trong số này các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng chiếm lần lượt 28,87% và 7,8%; khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn là 152,5 ngàn tỉ đồng, tăng 49,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Bộ Tài chính cho rằng sau vụ việc sai phạm của Tân Hoàng Minh và Công ty An Đông, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn, khối lượng phát hành mới sụt giảm, nhà đầu tư bán lại trước hạn nhiều, khối lượng mua trái phiếu trước hạn lớn.

Ngoài nguyên nhân từ những vụ việc nêu trên, những tin đồn trên thị trường tài chính liên quan đến một số tập đoàn, khó khăn của thị trường bất động sản cũng tác động đến niềm tin của người gửi tiền và nhà đầu tư đối với thị trường ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Ngoài ra, khi lãi suất tiền gửi ngân hàng lên cao, nhà đầu tư cá nhân có xu hướng bán lại trái phiếu doanh nghiệp để chuyển sang gửi tiết kiệm.

Bộ Tài chính cho biết trước các vi phạm của doanh nghiệp phát hành thời gian qua, trên thị trường xảy ra hiện tượng doanh nghiệp tăng mua lại trái phiếu, các nhà đầu tư cá nhân bán lại trái phiếu trước hạn do quan ngại doanh nghiệp không trả được nợ.

Trước tình hình này, Bộ Tài chính đề nghị các chủ thể tham gia trên thị trường cần tuân thủ quy định của pháp luật. Đối với doanh nghiệp phát hành, Bộ Tài chính nhấn mạnh với nguyên tắc trái phiếu doanh nghiệp phát hành tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn, doanh nghiệp phải có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu và thực hiện các cam kết với nhà đầu tư. Các doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm phải tự cân đối dòng tiền để đảm bảo các nghĩa vụ đã cam kết với nhà đầu tư khi phát hành trái phiếu.

"Trường hợp có khó khăn về tình hình tài chính thì phải chủ động xây dựng phương án trả nợ cụ thể và làm việc thống nhất với các nhà đầu tư để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, đảm bảo uy tín của doanh nghiệp như: Cơ cấu lại nợ, đàm phán hoán đổi trái phiếu, xử lý tài sản đảm bảo, thỏa thuận thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác của doanh nghiệp; trường hợp không thỏa thuận được sẽ xử lý theo quyết định của tòa án" - đại diện Bộ Tài chính cho hay.

Đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ, Bộ Tài chính đề nghị có trách nhiệm phối hợp với doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư để đảm bảo các nghĩa vụ đã ký kết cũng như đảm bảo uy tín khi cung cấp dịch vụ trên thị trường.

Bộ Tài chính khuyến nghị các nhà đầu tư khi doanh nghiệp phát hành có khó khăn về thanh toán, nhà đầu tư có thể chủ động làm việc với doanh nghiệp và tổ chức cung cấp dịch vụ để thỏa thuận thống nhất phương án xử lý phù hợp, đảm bảo quyền lợi của cả nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành. Đồng thời, các nhà đầu tư cần cẩn trọng để phân tích và phân loại các trái phiếu đang sở hữu để có quyết định phù hợp, không nghe tin đồn thất thiệt.

Cũng theo Bộ Tài chính, các nhà đầu tư cá nhân khi được giới thiệu mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hoặc có ý định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, cần yêu cầu tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về doanh nghiệp phát hành, trái phiếu. Nhà đầu tư cần đọc, hiểu và nắm rõ các quy định này tại văn kiện trái phiếu và các bản công bố thông tin của doanh nghiệp.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn là thị trường tiềm năng khi nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trong thời gian tới cho phát triển sản xuất kinh doanh là rất lớn; quan điểm của Chính phủ là tiếp tục phát triển thị trường hoạt động an toàn, lành mạnh và minh bạch.

Các chủ thể tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp phải tuân thủ quy định pháp luật. Ngày 16-9-2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP bổ sung các quy định để sàng lọc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, hạn chế việc nhà đầu tư nhỏ lẻ không có năng lực tham gia thị trường; đồng thời, tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc tuân thủ phương án và hồ sơ chào bán, yêu cầu chế độ công bố thông tin, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường, hoàn thiện cơ chế quản lý giám sát và trách nhiệm thanh, kiểm tra của cơ quan quản lý.

Cơ quan quản lý sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường hiệu quả kiểm tra, giám sát để xử lý các sai phạm theo quy định của pháp luật. Bộ Tài chính hiện đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan hiện đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cụ thể để ổn định và phát triển thị trường. Các địa phương rà soát, tạo điều kiện xử lý nhanh các thủ tục đầu tư, xây dựng đối với các dự án bất động sản trên địa bàn đã đáp ứng đủ điều kiện để các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng sớm triển khai, đưa sản phẩm ra thị trường.

Bộ Tài chính cho biết quán triệt nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, doanh nghiệp phát hành phải có trách nhiệm đảm bảo các cam kết với nhà đầu tư và chủ động đàm phán với nhà đầu tư về việc thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn trường hợp có khó khăn. Nhà nước ban hành khung pháp lý điều chỉnh để các bên giao kết đầu tư, kinh doanh và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư trên cơ sở giám sát và yêu cầu các doanh nghiệp phát hành thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết theo hợp đồng phát hành trái phiếu; các trường hợp doanh nghiệp vi phạm sẽ được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan làm việc với các doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu lớn, đặc biệt là dư nợ có tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân nắm giữ lớn để yêu cầu các doanh nghiệp có phương án thanh toán đầy đủ trái phiếu đến hạn theo quy định của pháp luật.

Theo NLĐ
Cùng chuyên mục