Phê duyệt dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1
Theo đó, tỉnh Đắk Lắk sẽ tổ chức, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án thành phần được phân cấp, hoàn thành trước ngày 12/11/2022 gửi Bộ Tài nguyên - Môi trường thẩm định, phê duyệt.
Đồng thời, tỉnh này tổ chức lập, thẩm tra, thẩm định, quyết định phê duyệt dự án thành phần được phân cấp, hoàn thành trước ngày 20/1/2023 và thực hiện các công việc tiếp theo bảo đảm khởi công trước ngày 30/6/2023.
Tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 30/6/2023 và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023. Hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn trong năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.
UBND tỉnh giao chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn Tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể chi tiết thực hiện bảo đảm hoàn thành các mốc tiến độ theo yêu cầu của các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Thực hiện lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát... triển khai đồng thời các công việc liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, lập, trình thẩm định, phê duyệt dự án.
Ngoài ra, các địa phương có dự án đi qua thành lập Ban Chỉ đạo về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng cho dự án…
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đã được Bộ GTVT trình Thủ tướng tổ chức thẩm định để trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư, dự án có điểm đầu tại nút giao giữa QL26B và QL1, khu vực cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa); điểm cuối giao cắt với đường Hồ Chí Minh tránh phía Đông TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có quy mô 4 làn xe, chiều dài khoảng 117,5 km; trong đó, đoạn qua Khánh Hòa khoảng 32,7 km, qua tỉnh Đắk Lắk khoảng 84,8 km. Toàn tuyến dự kiến xây dựng 49 cầu trên tuyến chính, 7 cầu vượt ngang và 3 hầm.
Cụ thể, Hầm Phượng Hoàng dài khoảng 2.100 m, hầm Ea Trang khoảng 700 m và hầm Chư Te khoảng 700 m. Dự án được đề xuất sử dụng ngân sách nhà nước, tổng mức đầu tư khoảng 21.935 tỷ đồng; dự kiến khởi công năm 2023 và hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng năm 2026.