Phó Thủ tướng chỉ đạo xử lý thông tin "buông lỏng quản lý" trong nhập khẩu cá tầm
Gần đây, nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh tình trạng buông lỏng quản lý, có dấu hiệu tiếp tay cho việc nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam, vi phạm gian lận về số lượng nhập khẩu, gian lận xuất xứ... tạo sự cạnh tranh không công bằng trên thị trường cá tầm, tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19.
Đặc biệt, là trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 28/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Chỉ thị số 05).
Về việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình giao Bộ Công an, Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu phản ánh của báo chí nêu trên để xem xét, xử lý theo đúng quy định pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vướng mắc vượt thẩm quyền.
Mới đây, đại diện Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, theo ước tính sản lượng cá tầm năm 2019 của Việt Nam đạt 2.500 tấn, trong đó miền núi phía Bắc đạt khoảng 500 tấn, Tây Nguyên đạt khoảng 2.000 tấn. Tuy nhiên, lượng cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc cùng thời điểm trên ước tính lên đến 4.500 tấn, chiếm khoảng 65% nhu cầu của thị trường.
Theo số liệu Tổng cục Hải quan tạm tính trong năm 2020 Việt Nam nhập khẩu khoảng 1.000 tấn cá tầm, chủ yếu đi qua Cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn).
Điều đáng lo ngại là một số lượng lớn cá tầm Trung Quốc được nhập bằng con đường tiểu ngạch, dẫn đến giá cá tầm Trung Quốc trên thị trường tới người tiêu dùng chỉ đạt 140.000-160.000 đồng/kg, trong lúc đó cá tầm nuôi tại Việt Nam giá xuất từ trang trại đã đạt 150.000-170.000 đồng/kg.
Thực tế hiện nay, theo phản ánh của nhiều cơ cở nuôi cá tầm trong nước cũng như Hiệp hội cá nước lạnh của các tỉnh, hiện nghề nuôi cá tầm trong nước đang gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt của cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc. Cá tầm nhập từ Trung Quốc giá bán chỉ bằng 2/3 giá của cá tầm trong nước. Đặc biệt, khi vào thị trường trong nước, thương lái trộn lẫn cá tầm Trung Quốc vào cá chăn nuôi tại Việt Nam, tạo ra tình trạng lừa dối khách hàng và sự cạnh tranh không công bằng trên thị trường.
Hiện tỉnh Lâm Đồng có khoảng 50ha mặt nước chăn nuôi cá tầm, cá hồi với 50 trang trại của các doanh nghiệp và hộ gia đình, tập trung chủ yếu tại huyện Lạc Dương, Đam Rông, Di Linh và TP Đà Lạt.
Theo Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng, hiện nay nhập khẩu cá sống làm thực phẩm không có trong danh mục được sản xuất thông thường, phải có giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành. Tuy nhiên, thông tin từ Tổng cục Thủy sản Bộ NN&PTNT, đến nay đơn vị này chưa cấp phép nhập khẩu cá tầm sống làm thực phẩm ngoài danh mục được sản xuất thông thường.
Trước thực trạng cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc ồ ạt chiếm lĩnh thị trường, đẩy ngành chăn nuôi cá tầm trong nước vào cảnh hết sức khó khăn, nhiều doanh nghiệp, gia đình có nguy cơ phá sản, Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng mới đây đã đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý đối với sản phẩm hàng hoá là cá tầm tươi sống của Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam, cá tầm lưu thông trên thị trường không có nguồn gốc, không qua kiểm dịch động vật.
Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị tịch thu, tiêu huỷ các sản phẩm cá tầm nhập lậu, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm nhằm đảm bảo sự cạnh tranh công bằng giữa cá tầm sản xuất trong nước với cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc.