Phó Thủ tướng: "Không phải cứ có F0 là đóng cửa cả doanh nghiệp"
Ngày 20/9, chủ trì hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, phục hồi sản xuất là điều mà các doanh nghiệp, các địa phương mong muốn.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết qua phản ánh của các địa phương, doanh nghiệp, các vấn đề khó khăn, thách thức doanh nghiệp phải đối mặt như chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội chi phí giá thành sản xuất.
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phải chịu các chi phí liên quan đến phòng, chống dịch như chi phí xét nghiệm, chi phí đầu tư để đáp ứng các điều kiện về kiểm soát an toàn dịch bệnh, chi phí duy trì hoạt động sản xuất tại chỗ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành lưu ý không cứng nhắc đóng cửa toàn bộ nhà máy khi có F0 - Ảnh: Đức Tuân
Từ thực tế hoạt động, các doanh nghiệp cho rằng, khi xuất hiện ca F0, chỉ cần tách trường hợp này ra, không cần phải đóng cửa toàn bộ doanh nghiệp. Đại diện Công ty Nike Việt Nam bày tỏ mong muốn không đóng cửa toàn bộ nhà máy khi phát hiện 1 ca F0 mà chỉ cần nhanh chóng tách F0 và cách ly người tiếp xúc F0 trong nhà máy.
Trước băn khoăn của các doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, đảm bảo "tuyệt đối an toàn" khi sản xuất tại doanh nghiệp nghĩa là không để xảy ra ổ dịch lớn. Phó Thủ tướng lưu ý tránh tình trạng sản xuất trở lại mà không có kiểm soát, tới một thời điểm nhất định, khi bệnh lây lan âm thầm trong lực lượng lao động rồi bùng phát thành ổ dịch lớn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe công nhân.
"Nếu một khu công nghiệp có tới 20.000 công nhân mà trở thành ổ dịch thì rất nguy hiểm. Tuy nhiên, cũng không cứng nhắc khi có F0 thì đóng cửa nhà máy với hàng ngàn công nhân. F0 ở xưởng nào thì dừng xưởng đó và ngay trong xưởng đó, nếu xác định F0 chỉ liên quan đến một số F1 thì cách ly F1, thậm chí xưởng đó vẫn có thể hoạt động"- Phó Thủ tướng nói.
Về phía địa phương, tại điểm cầu TP HCM, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết, TP đã thành lập Tổ công tác để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; ban hành kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch.
Bên cạnh đó, TP HCM cũng đã làm việc với Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... để thống nhất các giải pháp liên kết vùng; kết hợp với các cơ quan về vấn đề về lưu thông, chuyển vật tư vật liệu, lao động, chuyên gia.
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đại diện các Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao cho biết sẽ sớm giải quyết các vấn đề liên quan đến nhập cảnh cho chuyên gia, đảm bảo lưu thông hàng hoá, triển khai các biện pháp miễn giảm thuế, phí...
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ đồng hành lâu dài, chặt chẽ cùng với các bộ, ngành, địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục và ổn định sản xuất.
Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ sẽ duy trì họp hằng tháng với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhất là các địa phương, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, kết hợp với việc chủ động tìm hiểu, nắm bắt và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, phục hồi sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, ổn định đời sống nhân dân là yêu cầu cấp bách hiện nay.
Tuy nhiên, lãnh đạo Chính phủ cũng chỉ rõ, vừa phục hồi sản xuất kinh doanh vừa phải bảo đảm an toàn về sức khỏe, tính mạnh cho công nhân lao động là vấn đề khó, bởi sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường còn gặp khó khăn, sản xuất kinh doanh trong điều kiện phòng chống dịch và an toàn cho công nhân còn khó khăn hơn nhiều lần.
Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò chủ thể của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh. Tùy theo tình hình của từng địa phương, từng địa bàn, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng phương án phục hồi sản xuất, bao gồm các giải pháp về kiểm soát F0; tránh tình trạng khi có F0 trong một phân xưởng mà phải dừng toàn bộ nhà máy với hàng chục phân xưởng.
Theo lãnh đạo Chính phủ, trung tâm, đầu mối để xử lý, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp là các tỉnh, thành phố, chính quyền cơ sở. Các địa phương cần sớm tổ chức các hội nghị, cuộc gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc với doanh nghiệp để quán triệt, triển khai tinh thần phục hồi sản xuất trong bối cảnh hiện nay, hướng dẫn doanh nghiệp có phương án tái sản xuất. Song hành với đó, các bộ ngành sẽ đóng vai trò điều tiết tổng thể, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cũng như tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách.
Về vấn đề vắc-xin, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cần có kế hoạch cụ thể phân bổ về các địa phương có các khu, cụm công nghiệp, hướng dẫn các giải pháp phòng chống dịch, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người lao động. Các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế phối hợp để ưu tiên vắc-xin cho người lao động sản xuất công nghiệp.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đặc biệt lưu ý đến việc lưu thông hàng hóa thông suốt ở các tuyến giao thông huyết mạch. Trong trường hợp phải phong tỏa thì tìm tuyến thay thế để hàng hóa lưu thông. Bộ Giao thông vận tải cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, không để xảy ra tình trạng văn bản cấp trên tạo điều kiện thông suốt nhưng ở cấp dưới lại gây ách tắc. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngành giao thông và các địa phương không được ban hành các "giấy phép con" gây cản trở lưu thông.
Đối với việc nhập cảnh của chuyên gia, lao động, Phó Thủ tướng cho rằng phải tạo điều kiện tối đa để lực lượng này nhập cảnh nhưng phải bảo đảm phòng chống dịch. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với Bộ Y tế, địa phương có hướng dẫn để công nhân có thể đi lại từ tỉnh này sang tỉnh kia.
Trong quá trình phục hồi sản xuất, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phục hồi một số dịch vụ cần thiết đối với các khu công nghiệp để bảo đảm nhu cầu ăn ở, sinh hoạt cho người lao động.