Kinh hãi với hàng nghìn bánh trung thu bị tạm giữ, tiêu hủy
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp trước, trong và sau tết Trung thu năm 2021.
Thông qua hoạt động kiểm tra, cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng trên thị trường góp phần bảo đảm thị trường ổn định, lành mạnh, người tiêu dùng được mua sắm, sử dụng an toàn trong dịp tết Trung thu năm 2021.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra an toàn thực phẩm đối với mặt hàng bánh trung thu lưu thông trên thị trường. Kiểm tra các loại bánh trung thu sản xuất theo phương thức cổ truyền, bánh trung thu tự làm không công bố chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, bánh có nguồn gốc từ nước ngoài...
Cục cũng đã xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em; đồ chơi thông minh, tích hợp nhiều chức năng; đồ chơi trẻ em độc hại, kích động bạo lực nhập lậu; kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn chứng từ, ghi nhãn hàng hóa, chứng nhận hợp quy và các quy định khác của pháp luật trong quản lý mặt hàng đồ chơi trẻ em.
Kết quả từ ngày 10/9 đến ngày 17/9 Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh đã xử lý 4 vụ, phạt hành chính 15 triệu đồng, buộc tiêu hủy 1.814 chiếc bánh trung thu nhập lậu, 40kg hạt hạnh nhân làm bánh, tịch thu 320 món đồ chơi trẻ em. Tạm giữ 1 vụ gồm 270 chiếc bánh trung thu các loại theo quy định của pháp luật.
Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường Thái Nguyên) tiến hành kiểm tra một số cơ sở kinh doanh bánh kẹo thực phẩm trên địa bàn thành phố Thái Nguyên. Đoàn kiểm tra cũng phát hiện nhiều mặt hàng thực phẩm, bánh trung thu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ được bày bán. Quá trình làm việc, các chủ cơ sở kinh doanh khai nhận số hàng hóa trên được mua trôi nổi trên thị trường.
Toàn bộ hàng hóa vi phạm đã được xác định là hàng hóa nhập lậu. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với các cửa hàng về hành vi vi phạm, với tổng số tiền phạt 7.750.000 đồng và buộc tiêu hủy 455 sản phẩm hàng hóa vi phạm (là các mặt hàng bỏng ngô, nước hoa quả, bánh, kẹo các loại, Thạch trứng và bánh nướng), có tổng trị giá 12.760.000 đồng.
Thông qua công tác kiểm tra, cơ quan chức năng cũng tuyên truyền đến các cơ sở các quy định của pháp luật trong kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, khuyến cáo người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức trong việc lựa chọn, tiêu dùng sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng.