Phó Thủ tướng: Kon Tum cần thu hút các nguồn lực để phát triển dược liệu, nhất là sâm Ngọc Linh

17/01/2024 07:15 GMT+7
Quy hoạch tỉnh Kon Tum đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 sẽ xoay quanh 4 trụ cột chính. Đáng chú ý trong đó là phát triển Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước.

Ngày 16/1, UBND tỉnh Kon Tum tổ chức lễ công bố quyết định của Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

Theo phê duyệt quy hoạch tỉnh Kon Tum của Thủ tướng Chính Phủ, phấn đấu đến năm 2030, Kon Tum trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và công bằng dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Ngoài ra, phấn đấu đưa Kon Tum trở thành một trong những tỉnh trung bình khá của cả nước; là vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước; là trọng điểm du lịch tầm cỡ quốc gia và khu vực gắn với khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và khu du lịch Măng Đen.

Phó Thủ tướng: Kon Tum cần thu hút các nguồn lực để phát triển dược liệu, nhất là sâm Ngọc Linh- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời, kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng, cả nước, khu vực quốc tế thuộc tiểu vùng Mê Công, các nước láng giềng và ASEAN; tiếp tục phát triển tỉnh Kon Tum theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: Công nghiệp, Dịch vụ, Nông nghiệp, Đô thị và Nông thôn.

Về tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Kon Tum là một cực phát triển quan trọng của kinh tế vùng Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây với các nước tiểu vùng sông Mê Kông, là điểm kết nối quan trọng trong ngã tư kinh tế Bắc - Nam, Đông - Tây; có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ và hiện đại; có nền tảng kinh tế đủ sức cạnh tranh bình đẳng trên trường quốc tế.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, quy hoạch tỉnh Kon Tum sẽ là kim chỉ nam để các cấp, các ngành của tỉnh hoạch định các chính sách, giải pháp cụ thể để quản lý, điều hành toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội, không gian phát triển cho địa phương.

Phó Thủ tướng: Kon Tum cần thu hút các nguồn lực để phát triển dược liệu, nhất là sâm Ngọc Linh- Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi lễ

Từ đó, tạo bước đột phá phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với 4 trụ cột chính gồm: phát triển Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước; phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp 4.0, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó, trọng tâm là xây dựng Khu du lịch Măng Đen trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia và khu vực; phát triển thành phố Kon Tum thành một thành phố hiện đại, sôi động và bền vững với bản sắc riêng.

Để đạt được những mục tiêu, kỳ vọng mà quy hoạch đặt ra, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Kon Tum cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh thật chi tiết, khoa học, phù hợp với nguồn lực, điều kiện thực tiễn của địa phương. Bên cạnh đó, huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược, kết nối Kon Tum với các địa phương trong khu vực, cả nước; thu hút nguồn lực nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là các ngành có lợi thế như nông, lâm nghiệp, dược liệu, sâm Ngọc Linh.

Ngoài ra, Kon Tum cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực thế mạnh, trên nền tảng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn; tiếp tục ưu tiên đầu tư, phát triển hệ thống đô thị theo hướng bền vững trên cơ sở định hướng của quy hoạch tỉnh. Trong đó, chú trọng đầu tư hệ thống giao thông, đô thị, các công trình công cộng theo hướng xanh và thông minh. 

Cuối cùng là tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, coi đây là một trong những khâu đột phá cho sự phát triển bền vững của tỉnh; thu hút nhân tài theo định hướng phát triển của tỉnh, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao.

Hoàng Lộc
Cùng chuyên mục