Phủ cao tốc, hạ tầng hiện đại toàn tuyến ở Đồng bằng sông Hồng vào năm 2045
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW về phát triển Vùng Đồng bằng sông Hồng và xúc tiến đầu tư Vùng được tổ chức ngày 12/2 tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Nghị quyết 30/TW của Bộ Chính trị xác định mục tiêu năm 2030 Đồng bằng Sông Hồng sẽ là khu vực công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao.
Tầm nhìn đến năm 2045, ĐBSH sẽ là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, thông minh.
Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới, thông minh, xanh, bền vững. Người dân có thu nhập cao, cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.
Để thực hiện những nhiệm vụ này, lãnh đạo Bộ KH&ĐT đề nghị các địa phương cần tập trung phát triển các ngành kinh tế theo Quy hoạch vùng và quy hoạch của từng địa phương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
"Đẩy mạnh liên kết nội vùng, giữa vùng với các vùng khác trong cả nước; coi liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển; nghiên cứu tổ chức không gian phát triển vùng đảm bảo cân bằng, bền vững gắn với phát triển các hành lang, vành đai kinh tế; phát triển các chuỗi đô thị hiện đại và hệ thống giao thông kết nối giữa các cực tăng trưởng, giao thông nội vùng, liên vùng và các đầu mối trung tâm kinh tế trên toàn tuyến hành lang kinh tế", ông Dũng nói.
Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết, cần huy động tối đa nguồn lực cho phát triển vùng, trong đó tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, quan trọng, trọng điểm, có sức lan toả, nhất là phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, quốc lộ, các tuyến đường vành đai, tuyến đường bộ ven biển kết nối liên vùng, các cảng biển, cảng hàng không, đường sắt bảo đảm kết nối vùng, các tiểu vùng và kết nối với các vùng khác.
Quyết tâm đầu tư hoàn thành các tuyến vành đai vùng (vành đai 4, vành đai 5), cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, Nội Bài – Hạ Long, Cổ Tiết – Chợ Bến, các tuyến liên kết vùng để phát triển các hành lang, cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế - đô thị, tạo đột phá phát triển vùng; mở rộng một số đoạn tuyến quốc lộ trong vùng theo quy hoạch và các đoạn tuyến đường bộ ven biển để đáp ứng nhu cầu vận tải, phát triển kinh tế biển.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, để thực hiện thành công mục tiêu của Bộ Chính trị về phát triển xứng tầm Đồng bằng Sông Hồng, ngành GTVT quyết tâm đầu tư hoàn thành các tuyến vành đai vùng (vành đai 4, vành đai 5), cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, Nội Bài – Hạ Long, Cổ Tiết – Chợ Bến, các tuyến liên kết vùng để phát triển các hành lang, cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế - đô thị, tạo đột phá phát triển vùng; mở rộng một số đoạn tuyến quốc lộ trong vùng theo quy hoạch và các đoạn tuyến đường bộ ven biển để đáp ứng nhu cầu vận tải, phát triển kinh tế biển.
Tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp để khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, nâng cao kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận quốc tế qua cửa khẩu Lào Cai, Đồng Đăng; đầu tư tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng kết nối đến cảng biển Đình Vũ, Lạch Huyện.
Đầu tư đường sắt khu đầu mối Hà Nội; hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị trong khu vực đô thị trung tâm Hà Nội; triển khai các tuyến đường sắt đô thị kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội; nghiên cứu đầu tư các tuyến đường sắt đô thị kết nối Hà Nội với các tỉnh xung quanh (Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam...).
Cải tạo, đưa vào cấp kỹ thuật các tuyến đường thủy nội địa, kết nối thuận lợi từ Hải Phòng, Quảng Ninh về Hà Nội, Việt Trì, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình; nâng cấp tĩnh không cầu Đuống; xây dựng mới cảng container, các cảng khách đầu mối tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Khai thác hiệu quả cảng quốc tế Lạch Huyện; tiếp tục đầu tư các bến cảng tại cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh đáp ứng lượng hàng hóa thông qua trong từng thời kỳ; phát triển cảng tại các huyện đảo với quy mô phù hợp đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh; chú trọng đầu tư đồng bộ giữa luồng và bến, kết nối liên hoàn giữa cảng biển trong vùng với phương thức vận tải khác, đầu mối vận tải khu vực; đầu tư các cảng cạn để hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics.
Nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cát Bi đáp ứng nhu cầu trong từng thời kỳ; khai thác hiệu quả cảng hàng không Vân Đồn.
Đến năm 2045, phát triển mạng lưới giao thông vận tải của vùng đồng bằng sông Hồng đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.