PV Power và loạt doanh nghiệp "vướng" nợ xấu tại PV Gas (GAS)
Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV Gas; HoSE: GAS) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 với doanh thu thuần đạt 30.052 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp tăng 32% lên 5.736 tỷ đồng do biên lợi nhuận gộp tăng 1% lên 19%.
Kỳ này, PV Gas lãi hoạt động tài chính 216 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến từ lãi tiền gửi, tiền cho vay. Trong khi đó, chi phí lãi vay ghi nhận 84 tỷ đồng, tăng 35%. Chi phí bán hàng giảm nhẹ xuống 545 tỷ đồng. Đáng chú ý, chi phí quản lý doanh nghiệp gấp gần 3,9 lần cùng kỳ năm trước, ghi nhận 1.180 tỷ đồng.
Kết quả, PV Gas báo lãi trước thuế 4.239,2 tỷ đồng, lãi sau thuế 3.416,1 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và 7% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, PV Gas ghi nhận doanh thu thuần ở mức 53.367 tỷ đồng, lãi trước thuế đạt 7.410 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Sau thuế, PV Gas lãi 5.959,7 tỷ đồng.
Giải trình về kết quả kinh doanh trên, PV Gas cho biết, giá dầu Brent bình quân 6 tháng đầu năm 2024 đạt 84,09 USD/thùng, tăng 4,26 USD/thùng so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 5%. Trong khi đó, sản lượng khí khô tiêu thụ giảm 16% so với cùng kỳ.
Năm 2024, Đại hội cổ đông PV Gas thông qua kế hoạch năm 2024 với mục tiêu lãi trước thuế 7.249 tỷ đồng. Như vậy, 6 tháng đầu năm, PV Gas vượt 2% kế hoạch năm.
Tại ngày 30/6/2024, tổng tài sản của PV Gas tăng 8% so với đầu năm lên 95.167 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản ngắn hạn ở mức 70.470 tỷ đồng (tăng 13% so với đầu năm và chiếm 74% tổng tài sản). Trong đó, trữ tiền là hơn 43.919 tỷ đồng, tăng 8%. Hàng tồn kho giảm 29% còn 2.784 tỷ đồng.
Các khoản phải thu ngắn hạn tăng 38% lên 23.226 tỷ đồng. Đáng chú ý, 78% khoản này là phải thu ngắn hạn của khách hàng, tương ứng 18.021 tỷ đồng và 6.520 tỷ đồng là phải thu ngắn hạn khác. PV Gas dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi là 1.668,7 tỷ đồng, gấp khoảng 2 lần so với thời điểm đầu năm.
Đáng chú ý, thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, nợ xấu của PV Gas tăng vọt, từ 1.266,8 tỷ đồng lên 6.474 tỷ đồng tại ngày 30/6/2024, tương ứng tăng 4,1 lần.
Trong đó, phần lớn là khoản nợ của Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power; HoSE: POW) trị giá 3.674,6 tỷ đồng, tăng 3,2 lần so với đầu năm. Thuyết minh cho thấy, giá trị khoản nợ mà PV Gas có thể thu hồi là 2.916,7 tỷ đồng, tức 79% giá trị khoản nợ của PV Power. PV Gas và PV Power đều là công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Ngoài ra, danh sách nợ xấu của PV Gas còn có Công ty TNHH Năng lượng Mê Kông trị giá hơn 1.000 tỷ đồng; Công ty Điện lực TNHH BOT Phú Mỹ 3 trị giá 888,3 tỷ đồng;...
Tính đến hết quý II/2024, tổng nợ phải trả của PV Gas tăng 8% so với đầu năm, lên 24.246 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tài chính ở mức 4.405 tỷ đồng, giảm 25%.
Theo lãnh đạo của PV GAS, PV GAS đã chính thức đưa công trình Kho LNG Thị Vải vào kinh doanh, đã nhập khẩu 330 triệu m3 khí LNG để phục vụ nhu cầu trong nước; cung cấp 240 triệu m3 khí LNG tái hóa cho các nhà máy điện để sản xuất trên 1,2 tỷ kWh điện, góp phần đảm bảo cung ứng điện trong cao điểm mùa khô, đồng thời đánh dấu cột mốc LNG nhập khẩu lần đầu tiên được sử dụng để sản xuất điện tại Việt Nam, cũng như cung cấp LNG cho các khách hàng công nghiệp.
Lãnh đạo PV GAS cho biết, đang thực hiện chuyển đổi mô hình kinh doanh nhằm tận dụng triệt để các lợi thế của Tổng công ty, phù hợp với tình hình thị trường mới và thông lệ kinh doanh quốc tế.