PwC: FDI và RCEP giúp Việt Nam có triển vọng sáng ngời phát triển kinh tế năm 2022
Công ty PricewaterhouseCoopers Việt Nam (PwC) một trong bốn Big 4 ngành kiểm toán thế giới vừa công bố kết quả của cuộc Khảo sát CEO Toàn cầu thường niên lần thứ 25 – Góc nhìn kinh tế Việt Nam. Theo đó, kết quả khảo sát cho thấy, mức độ lạc quan của các CEO Châu Á - Thái Bình Dương đạt mức cao nhất trong 10 năm qua cũng như triển vọng sáng ngời phát triển của Việt Nam năm 2022.
Cuộc Khảo sát CEO Toàn cầu thường niên lần thứ 25 của PwC có sự tham gia của 4.446 CEO toàn cầu đến từ 89 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có 1.618 CEO thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương diễn ra từ tháng 10 đến tháng 11 năm 2021.
76% CEO kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu được cải thiện trong năm 2022
Các CEO Châu Á - Thái Bình Dương đang phải tiếp tục đối mặt với những sức ép gây ra bởi đại dịch COVID-19 và những khó khăn chung trên thị trường như lạm phát gia tăng, gián đoạn chuỗi cung ứng và cuộc khủng hoảng lao động. Bất chấp những thách thức, các CEO trong khu vực tham gia khảo sát vẫn thể hiện mức độ lạc quan cao nhất trong 10 năm qua về triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm tới.
Có đến 76% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp được khảo sát kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ được cải thiện, trong khi chỉ 17% cho rằng tình hình có thể sẽ xấu đi.
Hầu hết các quốc gia khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đều mức độ lạc quan tăng cao. Trong đó, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Singapore là các nước có mức lạc quan cao nhất, với khoảng 90% CEO kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu trong năm tiếp theo. Đến 50% CEO của khu vực cảm thấy "rất tự tin" hoặc "cực kỳ tự tin" vào triển vọng tăng trưởng doanh thu trong 12 tháng tới nhờ niềm tin vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Việt Nam có triển vọng sáng ngời phát triển kinh tế năm 2022
Cũng theo khảo sát của PwC dưới góc nhìn Việt Nam, rủi ro về sức khỏe tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng.
Tương tự như hầu hết các quốc gia trong khu vực Châu Á -Thái Bình Dương, sự bùng phát mạnh của biến chủng Delta tại Việt Nam từ tháng 4/2021 đã trở thành một làn sóng thách thức nhất cho đến nay. Tuy việc triển khai vắc-xin nhanh chóng đã góp phần thúc đẩy tiến trình phục hồi nền kinh tế. Sự xuất hiện của biến thể Omicron vào cuối tháng 11 vẫn tiếp tục là một trở ngại lớn đối với Việt Nam và khu vực. Mặc dù vậy, Việt Nam đang trên đà chuyển hướng chiến lược từ "không COVID" sang "sống chung với COVID". Theo đó, Nghị quyết 128 của Chính phủ như là bước đầu tiên để quốc gia thích ứng với trạng thái bình thường mới cùng với việc dần dần mở cửa biên giới.
Rủi ro an ninh mạng cũng là một vấn đề cần được chú trọng ở Việt Nam trong năm 2022. Theo kết quả từ Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), số lượng các cuộc tấn công mạng tại Việt Nam đã gia tăng đến 45% chỉ trong nửa đầu năm 2021. Trên cơ sở dự báo rằng nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam sẽ đạt mức 57 tỷ USD vào năm 2025, các doanh nghiệp sẽ còn phải đối mặt với sự gia tăng các mối đe dọa và tấn công mạng tinh vi hơn.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn chịu áp lực về lạm phát trong năm 2022 do sự tác động của áp lực giá toàn cầu ảnh hưởng từ chuỗi cung ứng và giá hàng hóa. Theo dự báo của Bloomberg, mức lạm phát của Việt Nam và Indonesia trong năm nay sẽ tăng cao nhất trong khu vực châu Á. Tuy nhiên, mức lạm phát này dự kiến sẽ vẫn trong tầm kiểm soát với tỷ lệ dưới 4% như mục tiêu đặt ra của chính phủ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia của PwC, vượt lên trên các rủi ro, Việt Nam vẫn có triển vọng sáng ngời về phát triển kinh tế năm 2022.
Tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam năm 2021 giảm xuống mức 2,58% do ảnh hưởng của đợt dịch thứ 4. Tuy nhiên, theo dự đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Việt Nam sẽ hồi phục mạnh mẽ trong năm 2022 và trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN ở mức 6,6%, tiếp theo là Philippines (6,3%) và Malaysia (6%).
Dựa trên số liệu năm 2021, Việt Nam cũng đang trên đà phục hồi hậu đại dịch về tổng giá trị xuất khẩu với mức tăng trưởng 19%. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 cũng tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại với các thị trường quốc tế.
Cuối cùng, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Theo Cục Đầu tư Nước ngoài (FIA), Việt Nam vẫn ghi nhận tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tính đến ngày 20/12 đạt mức 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang xác định các thị trường mục tiêu và xây dựng thương hiệu ở nước ngoài. Năm 2021, vốn đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam vào Mỹ đã ghi nhận sự gia tăng vượt bậc, với tổng giá trị đạt mức 300 triệu đô la Mỹ.
Ông Nguyễn Lương Hiền, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn chiến lược /Tư vấn thương vụ tại PwC Việt Nam cho biết: "Mức độ lạc quan cao của các CEO cho thấy sức mạnh và khả năng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, cũng như khả năng kiểm soát của các CEO trước tình hình bất ổn. Mức tăng trưởng GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở lại mức 6% - 6,5%, một phần là do sự trở lại mạnh mẽ của dòng vốn FDI vào thị trường. RCEP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 sẽ thúc đẩy hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại, tạo đà cho sự phục hồi kinh tế sau đại dịch thông qua việc hình thành một thị trường xuất khẩu ổn định và lâu dài cho Việt Nam và các nước Đông Nam Á."