Đại dịch là "môi trường thuận lợi" cho Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc?

23/06/2020 11:21 GMT+7
Việc các ngân hàng Trung Ương toàn cầu nới lỏng chính sách tiền tệ và hạ lãi suất cơ bản để kích thích nền kinh tế trong cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 có thể mang đến nhiều lợi ích cho Sáng kiến Vành đai và Con đường, cựu thống đốc Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc nhận định.
Đại dịch là "môi trường thuận lợi" cho Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc? - Ảnh 1.

“Môi trường hiện tại rất tốt cho sự phát triển các dự án Sáng kiến Vành đai và Con đường vì nguồn vốn dồi dào trên toàn cầu và chi phí vay thấp tương đối" - trích lời ông Zhou Xiaochuan

Zhou Xiaochuan, cựu thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBOC mới đây nhận định Sáng kiến Vành đai và Con đường đã gặp khó khi một số dự án bị đình trệ do sự bùng phát đại dịch, đồng thời một số quốc gia chứng kiến gánh nặng nợ tăng vọt. Nhưng ông nói thêm rằng vẫn có cửa sáng đáng lạc quan cho những dự án này trong bối cảnh các chính phủ nới lỏng chính sách tiền tệ, tạo điều kiện hạ chi phí vay.

“Môi trường hiện tại rất tốt cho sự phát triển các dự án Sáng kiến Vành đai và Con đường vì nguồn vốn dồi dào trên toàn cầu và chi phí vay thấp tương đối. Đây là cơ hội để tối ưu hóa các thỏa thuận tài chính hiện tại” - ông Zhou Xiaochuan phát biểu tại một diễn đàn trực tuyến được tổ chức bởi hãng truyền thông Trung Quốc Caixin.

Sáng kiến Vành đai và Con đường là kế hoạch được khởi xướng bởi chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm xây dựng các tuyến đường sắt, đường bộ và đường biển nối liền châu Á, châu Âu và châu Phi. Trong khi Washington nhiều lần cáo buộc đây là chiến lược nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng trên toàn cầu của Bắc Kinh đồng thời gieo rắc bẫy nợ cho các quốc gia nghèo, thì chính phủ Trung Quốc khẳng định sáng kiến đa phương này nhằm mục tiêu thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, các nhà quan sát lo ngại sáng kiến có thể gặp khó khi hàng loạt quốc gia nghèo Châu Phi kêu cứu vì chi phí vượt mức, mất khả năng thanh toán… Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau đó buộc phải tuyên bố xóa các khoản vay không lãi suất cho nhiều nước nghèo, theo lời kêu gọi của các nước G20.

Bộ Thương mại Trung quốc cho hay tính đến hết tháng 5 năm nay, các công ty Trung Quốc đã đổ 6,5 tỷ USD đầu tư vào những quốc gia tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này chiếm tới 15,5% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài, tăng 2,9% so với năm 2019.

Nhưng khi các quốc gia gặp khó trong việc trả nợ do cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 tấn công nền kinh tế, có vẻ như Bắc Kinh không muốn tiếp tục tài trợ cho tất cả các dự án trong sáng kiến này. Hồi tháng trước, Chủ tịch Tập đã công bố một sự thay đổi chiến lược kinh tế, trong đó chuyển trọng tâm phát triển sang thị trường nội địa tỷ dân dù vẫn tuyên bố sẽ duy trì quan hệ hợp tác đa dạng với các nước đang nằm trong dự án Vành đai và Con đường.

Vị cựu thống đốc PBOC Zhou Xiaochuan khẳng định: “Bất chấp những bình luận chỉ trích tiêu cực, việc chậm tiến độ các dự án là hiện tượng bình thường vì sự lây lan đại dịch Covid-19 đang cản trở người lao động tập trung làm việc. Nhưng nhìn chung, nhu cầu cơ sở hạ tầng tại các quốc gia tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường đang tăng lên”.

“Những lời chỉ trích về mức nợ bền vững ở một số dự án được thổi bùng lên bởi những kẻ có động cơ ngầm” - ông Zhou Xiaochuan khẳng định. “Sáng kiến Vành đai và Con đường sẽ giúp thúc đẩy quá trình quốc tế hóa đồng NDT, điều đã bị đình trệ trong nhiều tháng gần đây trong bối cảnh đại dịch bùng phát”.

Tỷ lệ thanh toán quốc tế của đồng tiền NDT Trung Quốc đã giảm xuống vị trí thứ sáu, tương đương 1,79% thị phần thanh toán quốc tế toàn cầu trong tháng 5, kém xa đồng USD của Mỹ với thị phần trên 40,88% các giao dịch. Đồng EUR cũng chiếm 32,9% các giao dịch thanh toán quốc tế còn đồng Yên Nhật chiếm trên 3,53%, theo dữ liệu của SWIFT.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục