“Quá tam”, Eximbank tiếp tục triệu tập ĐHĐCĐ tại Hà Nội
Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank – EIB) vừa công bố thông tin về việc tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 (ĐHĐCĐ)
Cụ thể, theo Nghị quyết mới được ban hành, nhà băng này dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 vào sáng thứ Ba, ngày 15/12/2020 tại Trung tâm hội nghị quốc tế số 11 Lê Hồng Phong, phường Điện Biên, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
Như vậy, đây là lần thứ 4 Eximbank đưa ra kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ kể từ đầu năm đến nay. Trong đó, 2 lần đầu tiên được tổ chức vào hồi tháng 6 và tháng 7 nhưng bất thành do không đủ túc số.
Đáng chú ý, chỉ ít ngày sau khi đại hội cổ đông lần 2 của Eximbank tổ chức bất thành lại xuất hiện lá đơn xin từ chức của ông Cao Xuân Ninh - tân chủ tịch HĐQT. Lý do ông Ninh nêu ra là "có quá nhiều bất đồng khó dung hòa dẫn đến các tranh chấp nội bộ, gây khó khăn rất lớn trong quản trị, điều hành, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh và hoạt động của ngân hàng".
Lần thứ 3, đại hội của ngân hàng này dự kiến được tổ chức vào tháng 8, tuy nhiên đã không thực hiện được với lý do trì hoãn là phòng chống dịch Covid-19. Ngoài cuộc họp cổ đông thường niên, ĐHĐCĐ bất thường năm 2019 cũng kéo dài đến năm nay vẫn chưa thể tổ chức thành công.
Tại ngày 30/6/2020, ngân hàng đã tổ chức cả 2 cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên và ĐHĐCĐ bất thường 2019 nhưng đều bất thành vì tỷ lệ tham dự thấp hơn so với quy định. Từ thời điểm đó đến nay, ngân hàng chưa thông báo về việc tổ chức lần 2 ĐHĐCĐ bất thường.
Cuộc họp bất thường được tổ chức theo đề nghị của hai nhóm cổ đông của Eximbank gồm cổ đông chiến lược SMBC nắm 15% vốn tại Eximbank và nhóm cổ đông Ngô Thị Thúy (nắm giữ 10,36% cổ phần phổ thông của Eximbank (vào thời điểm tháng 9/2019). Tại văn bản yêu cầu Eximbank họp cổ đông bất thường, SMBC đã đề cập tới 2 vấn đề cần thảo luận là yêu cầu bãi nhiệm ông Yasuhiro Saitoh (hiện là chủ tịch HĐQT Eximbank khi ông giữ chức này ngay trước thềm đại hội cổ đông) và giảm số lượng thành viên, bỏ phiếu tín nhiệm đối với HĐQT.
Trước đó, trong năm 2019, các lần họp ĐHĐCĐ của ngân hàng cũng đều không thành công do mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông lớn.
Liên quan đến Eximbank, trong một báo cáo của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đánh giá Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất Nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB) là một trường hợp hiếm trong ngành ngân hàng Việt Nam với cổ đông biến động trong 9 năm qua. EIB không phải là một cổ phiếu an toàn đối với các nhà đầu tư tổ chức cho đến khi các vấn đề thanh khoản và cổ đông được ổn thỏa.
Mặc dù phải sống chung với bất ổn nhưng mục tiêu kinh doanh mà ban điều hành của ngân hàng này đưa ra cho năm nay là khá cao. Trong đó, lợi nhuận trước thuế 1.318 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2019; mua lại toàn bộ nợ xấu tại VAMC và tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.
Sau 9 tháng, Eximbank báo lãi trước thuế 1.103 tỷ đồng, hoàn thành 84% kế hoạch cả năm. Dư nợ cho vay khách hàng của Eximbank giảm 10,6% xuống 101.302 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng giảm 8,2% xuống 127.844 tỷ đồng.
Về chất lượng tín dụng, nợ xấu nội bảng của Eximbank đã tăng 29% trong 9 tháng qua, trong đó riêng nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đã tăng gấp đôi, kéo tỷ lệ nợ xấu nội bảng của Eximbank tăng từ 1,71% lên 2,46%. Tính đến cuối tháng 9/2020, số trái phiếu đặc biệt VAMC tại Eximbank còn 2.775 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 4.434 tỷ đồng hồi đầu năm; trong đó dự phòng trái phiếu đặc biệt là 918 tỷ đồng.