Quan chức Mỹ "vạch trần" Trung Quốc thao túng nước sông MeKong suốt 25 năm
Bình luận mới đây của trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á, ông David Stilwel đã báo hiệu vấn đề sông MeKong có thể sẽ trở thành mặt trận mới nhất trong cuộc xung đột Mỹ - Trung kéo dài suốt 2 năm qua.
Cụ thể, phát biểu tại Hội thảo do Viện Hòa bình Mỹ đồng tổ chức mới đây, ông Stilwell cáo buộc vấn đề kiểm soát dòng nước là một thực trạng “đáng quan ngại” ở khu vực sông MeKong. “Một thách thức đặc biệt cấp bách lúc này là việc (Trung Quốc) đang thao túng dòng chảy sông MeKong vì lợi ích của chính họ bất chấp việc phải trả giá đắt”.
Ông Stilwell trích dẫn một báo cáo gần đây của Mỹ chỉ ra rằng “Trung Quốc đã thao túng dòng nước sông MeKong trong 25 năm, gây ra sự gián đoạn dòng chảy tự nhiên chưa từng có bằng cách xây dựng và vận hành những con đập lớn”. Vị trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á không nêu rõ nguồn báo cáo trích dẫn, nhưng trong suốt nhiều tháng gần đây, Washington đã tiến hành rất nhiều nghiên cứu liên quan về tình trạng dòng chảy sông MeKong tại 5 quốc gia hạ lưu là Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Ông Stilwell cũng chỉ trích hành động kiểm soát nguồn nước của Trung Quốc ở thượng lưu sông MeKong đang ‘tàn phá mùa màng và đe dọa an ninh lương thực trong toàn khu vực”. “Những điều này tiềm ẩn nguy cơ gây ra bất ổn lớn hơn. Mỹ đang làm việc với các nước hạ lưu sông MeKong, Ủy ban sông MeKong và nhiều đối tác quốc tế khác để đảm bảo Trung Quốc đáp lại lời kêu gọi minh bạch dữ liệu nguồn nước”.
Eyes on Earth, một công ty nghiên cứu và tư vấn được tài trợ bởi Chính phủ Mỹ hồi tháng 4 trong một nghiên cứu đã đưa ra kết luận Trung Quốc đang giữ khoảng 47 tỷ m3 nước sông MeKong trong lãnh thổ nước này nhờ những con đập khổng lồ. Eyes on Earth đồng thời đưa ra cảnh báo hàng triệu người dân ở hạ lưu có thể bị bóp nghẹt sinh kế do các hoạt động của Trung Quốc ở thượng nguồn sông MeKong.
Kể từ năm 1990 đến nay, Trung Quốc đã xây dựng tổng cộng 11 con đập lớn nhỏ dọc theo thượng nguồn sông MeKong cùng hàng loạt kế hoạch xây đập khác đã và đang được lên kế hoạch. Nghiên cứu của Eyes on Earth cho thấy ít nhất một trong số những con đập đã làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của sông MeKong, dẫn đến việc hạ lưu sông chứng kiến mực nước thấp nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc đã bác bỏ mọi cáo buộc đổ lỗi cho nước này về tình trạng hạn hán ngày càng trầm trọng ở các quốc gia hạ lưu sông MeKong, trong đó có Việt Nam.
Hồi cuối tháng 8, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc cường tại một diễn đàn thảo luận với 5 nước Đông Nam Á ở hạ lưu sông MeKong (hay được Trung Quốc gọi là sông Lancang) đã tuyên bố sẽ chia sẻ dữ liệu thủy văn hàng năm liên quan đến con sông này. Từ đầu năm đến nay, chính phủ Trung Quốc cũng nhiều lần phủ nhận cáo buộc kiểm soát nguồn nước sông MeKong, gây ảnh hưởng nặng nề đến các quốc gia ở hạ lưu.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng hồi giữa tháng 4 khẳng định “Dòng chảy từ Lancang có tác động rất hạn chế đến lưu lượng chung của sông MeKong vì lượng nước ở hạ lưu chủ yếu phụ thuộc vào lượng mưa và dòng chảy của các nhánh sông. Do đó, không có lý do nào để tuyên bố rằng Trung Quốc chịu trách nhiệm về tình trạng hạn hán của các nước ở hạ lưu sông”.