Trung Quốc bác bỏ việc gây hạn ở hạ lưu sông Mê Kông, ảnh hưởng đến sinh kế hàng triệu người

28/04/2020 10:18 GMT+7
Một nghiên cứu do Chính phủ Mỹ tài trợ mới đây đã chỉ ra các đập của Trung Quốc đang giữ lượng nước khổng lồ tại thượng nguồn sông Mê Kông, qua đó làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở các nước Đông Nam Á nằm dọc hạ lưu sông, trong đó có Việt Nam.

Các đập của Trung Quốc giữ lượng nước khổng lồ trong mùa hạn

Eyes on Earth, một công ty nghiên cứu và tư vấn được tài trợ bởi Chính phủ Mỹ mới đây đã cảnh báo hàng triệu người dân có thể bị bóp nghẹt sinh kế do các hoạt động của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mê Kông.

Sông Mê Kông có chiều dài khoảng 4.350km, chạy qua 6 quốc gia bắt đầu từ Trung Quốc ở thượng nguồn, Campuchia, Lào, Thái Lan Myanmar và cuối cùng là Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông. Sông Mê Kông được đánh giá là “huyết mạch” của các quốc gia Đông Nam Á kể trên. Khoảng 200 triệu người dân ở lưu vực sông, những người sống bằng nghề nông, có sinh kế phụ thuộc chặt chẽ vào con sông này.

Trung Quốc bác bỏ việc gây hạn ở hạ lưu sông Mê Kông, ảnh hưởng đến sinh kế hàng triệu người - Ảnh 1.

Người dân Thái Lan đánh cá trên sông Mê Kông

Trung Quốc bắt đầu xây đập đầu tiên tại thượng nguồn sông Mê Kông vào những năm 1990. Cho đến nay, Trung Quốc có khoảng 11 con đập dọc theo con sông này. Chưa dừng lại ở đó, Chính phủ Bắc Kinh đang có kế hoạch xây dựng thêm nhiều đập nước tại thượng nguồn sông cho các nhà máy thủy điện. Nghiên cứu của Eyes on Earth cho thấy ít nhất một trong số những con đập đã làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của sông Mê Kông, dẫn đến việc hạ lưu sông chứng kiến mực nước thấp nhất từ trước đến nay. Báo cáo được công bố bởi Chương trình Đối tác cơ sở hạ tầng bền vững (SIP) do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn và Sáng kiến Hạ lưu sông Mê Kông (Lower Mekong Initiative - LMI) bao gồm Mỹ và 5 quốc gia hạ lưu sông Mê Kông gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Nghiên cứu sử dụng các dữ liệu từ năm 1992-2019 liên quan đến phép đo vệ tinh về độ ẩm mặt đất chỉ ra rằng lượng mưa và tuyết ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã tăng trên mức trung bình trong thời điểm hạn hán hoành hành ở khu vực hạ lưu sông.  Nhưng cùng thời điểm đó, mực nước ở hạ lưu sông, dọc biên giới Thái Lan - Lào nhiều thời điểm thấp hơn đáng kể so với mức bình quân. Điều này chỉ ra rằng việc Trung Quốc giữ lượng nước lớn trong các đập chứa nước vào mùa hạn hán đang làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán tại các nước hạ lưu sông Mê Kông như Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến nghề đánh bắt cá và sản xuất lúa gạo, đồng thời đe dọa an ninh lương thực trong khu vực.

Thiệt hại không thể phục hồi với hệ sinh thái

Hệ thống đập nước ở Trung Quốc đang gây ra những thay đổi thất thường trong hệ sinh thái và làm giảm đáng kể mực nước sông Mê Kông, theo kết luận của Stimson Center, một cơ quan nghiên cứu có trụ sở tại Washington.

Về cơ bản, nghiên cứu của Eyes on Earth chỉ ra rằng không riêng Trung Quốc, hơn 100 đập nước của các quốc gia dọc sông Mê Kông đều gây tác động lên hệ sinh thái khu vực. Nhưng là đất nước nắm thượng nguồn sông và xây dựng những đập giữ nước khổng lồ, Trung Quốc là quốc gia gây ảnh hưởng nhiều hơn cả, khiến lượng nước trở nên ngày một bất thường. Một số quốc gia chứng kiến hạn hán chưa từng có như khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (hạ lưu sông Mê Kông) của Việt Nam, trong khi một số quốc gia khác chứng kiến mực nước tăng đột ngột.

Trung Quốc bác bỏ việc gây hạn ở hạ lưu sông Mê Kông, ảnh hưởng đến sinh kế hàng triệu người - Ảnh 2.

Hạn hán ngày càng nghiêm trọng ở Đồng bằng Sông Cửu Long

Pianporn Deetes, đại diện Thái Lan tại Tổ chức International Rivers cho hay các đập nước của Trung Quốc đã “phá hủy sinh kế của những người dân phụ thuộc vào hệ sinh thái khu vực sông Mê Kông”. Nghiên cứu của Stimson Center cũng cho thấy kết luận tương tự. Hai tác giả Brian Eyler và Courtney Weatherby của nghiên cứu chỉ ra rằng các làng chài ven bờ hồ Tonle Sap của Campuchia đã báo cáo sản lượng đánh bắt giảm mạnh 80-90% so với thông thường trong khi nạn hạn hán ngày càng nghiêm trọng tại đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

Pianporn Deetes cũng kêu gọi Trung Quốc minh bạch thông tin và các nhà chức trách khu vực coi toàn bộ hệ thống sông Mê Kông là tài nguyên chung thay vì tùy ý sử dụng phục vụ mục đích của riêng mình. 

Fitch Solutions thì chỉ ra rằng: “Mối đe dọa an ninh lương thực do vấn đề lưu lượng nước chắc chắn sẽ gây áp lực lên vấn đề lạm phát của các quốc gia ở hạ lưu sông Mê Kông… Sự phá hủy hệ sinh thái tự nhiên cũng sẽ thúc đẩy sự thay đổi trong hoạt động kinh tế dọc lưu vực sông, trong đó có hoạt động nông nghiệp và cả du lịch. Kết quả là các nước ở hạ nguồn sẽ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới”. 

Trung Quốc bác bỏ các nghiên cứu

Chính phủ Trung Quốc đã bác bỏ mọi cáo buộc đổ lỗi cho Trung Quốc về tình trạng hạn hán ngày càng trầm trọng ở các quốc gia hạ lưu sông Mê Kông, trong đó có Việt Nam.

Trong cuộc họp báo thường kỳ tuần trước, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng đã bác bỏ hoàn toàn nghiên cứu của Eyes on Earth và chỉ ra rằng các kết luận của nghiên cứu là hoàn toàn vô căn cứ, đi ngược lại sự thật. “Dòng chảy từ Lancang (tên gọi khu vực sông Mê Kông nằm trong lãnh thổ Trung Quốc) có tác động rất hạn chế đến lưu lượng chung của sông Mê Kông vì lượng nước ở hạ lưu chủ yếu phụ thuộc vào lượng mưa và dòng chảy của các nhánh sông. Do đó, không có lý do nào để tuyên bố rằng Trung Quốc chịu trách nhiệm về tình trạng hạn hán của các nước ở hạ lưu sông”. 

Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới đây trả lời tờ CNBC rằng lượng mưa giảm, gió mùa bất thường kết hợp với hiện tượng El Nino cực đoan là nguyên nhân chính gây ra tình trạng hạn hán nghiêm trọng như vậy. Bộ trưởng Ngoại giao Wang Yi hồi tháng 2 cũng cam kết sẽ hợp tác với các nước hạ lưu sông Mê Kông để đảm bảo sử dụng hợp lý và bền vững tài nguyên nước.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục