Quảng Nam: Đưa vào hoạt động sàn thương mại điện tử sâm, dược liệu và hàng nông sản
Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, trong những năm qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử ngày càng mở rộng và hiện đã trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được doanh nghiệp, người dân biết đến.
Sự đa dạng về mô hình hoạt động, về đối tượng tham gia, quy trình hoạt động và chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ với sự hỗ trợ của hạ tầng Internet và ứng dụng công nghệ hiện đại, đã đưa thương mại điện tử trở thành trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số.
Trên địa bàn huyện Nam Trà My, Sâm Ngọc Linh và dược liệu là những sản phẩm thế mạnh để người dân thoát nghèo và phát triển kinh tế. Thời gian qua, việc mua bán sâm và dược liệu được đẩy mạnh thông qua các phiên chợ sâm Ngọc Linh và dược liệu hàng tháng cùng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube…
Tuy nhiên, trong thời gian qua tình trạng rao bán, quảng cáo các loại hàng nhái, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên không gian mạng đã ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của phần lớn khách hàng, gây ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín các sản phẩm đặc hữu địa phương.
Với mục đích tạo cơ hội cho các hộ sản xuất, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện hoàn thiện sản phẩm, nâng cao năng lực và giá trị chất lượng hàng hóa, đồng thời tham gia vào chuỗi phát triển của thương mại điện tử, giới thiệu và giao sản phẩm của mình đến tận tay khách hàng tại một Website uy tín, được quản lý chặt chẽ bởi các cơ quan chuyên môn của nhà nước, được cam kết về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm.
Thời gian qua, UBND huyện Nam Trà My giao Phòng Văn hóa & Thông tin và phòng Kinh tế & Hạ tầng phối hợp xây dựng sàn thương mại điện tử cho các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, dược liệu và hàng nông sản đặc trưng trên địa bàn huyện với nhiều tâm huyết và kỳ vọng, được thể hiện bằng những mục tiêu rõ ràng, cụ thể.
"Nay UBND huyện Nam Trà My tổ chức khai trương sàn thương mại điện tử sâm, dược liệu và hàng nông sản. Đây là bước đi mang tính bước ngoặt, nền tảng nhằm cụ thể hóa một cách nghiêm túc, hiệu quả chủ trương của các cấp về phát triển kinh tế số. Mặc dù là địa phương đầu tiên thực hiện nhưng với quyết tâm cao, huyện Nam Trà My đã xây dựng và đưa vào vận hành tại liên kết trên Cổng thông tin điện tử huyện và các tên miền của nhà nước cũng như tên miền thương mại.
Từ khi chạy thử nghiệm đến nay đã có hơn 3.000 lượt truy cập để tra cứu thông tin sản phẩm và các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử.
Với việc đưa vào vận hành sàn thương mại điện tử sâm, dược liệu và hàng nông sản Nam Trà My càng thể hiện rõ quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị trong việc xây dựng một xã hội số, một nền kính tế số.
Đây không chỉ là địa chỉ số quảng bá tài nguyên vô cùng giá trị của huyện mà còn là nơi phục vụ công tác quản lý của nhà nước, tạo kênh buôn bán chính thống cho người dân và đặc biệt là địa chỉ uy tín cho khách hàng. Chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng vào sự phát triển của mô hình kinh tế số này. Đây sẽ là hệ thống nền tảng cốt lõi, quan trọng hình thành nên một kênh bán hàng uy tín, thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện nhà phát triển nhanh và bền vững", Phó Chủ tịch huyện Nam Trà My cho biết.
UBND huyện Nam Trà My cho biết thêm, năm 2023 tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đạt kết quả tốt, các chỉ tiêu sản xuất về trồng trọt, chăn nuôi đảm bảo cơ bản các chỉ tiêu kế hoạch của huyện đề ra.
Theo đó, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát và khống chế kịp thời. Tổng sản lượng cây lương thực có hạt năm 2023 đạt 100,39% so với Nghị quyết HĐND huyện. Các loại cây dược liệu bản địa, Quế Trà My, sâm Ngọc Linh được tập trung đẩy mạnh; diện tích trồng mới tăng nhiều so với kế hoạch năm trước, đạt 118,5% kế hoạch.
Trong năm cũng đã trồng mới 35,5ha sâm Ngọc Linh, đạt 142%; Ngoài ra, huyện tiếp tục chăm sóc 5 ha vườn giống Quế gốc Trà My tại xã Trà Nam và 14 cây quế trội, 10 ha rừng quế chuyển hóa tại xã Trà Dơn; bảo tồn giống quế gốc Trà My…
Để phát triển cây sâm Ngọc Linh, mới đây trao đổi với P.V, ông Trần Ngọc Bằng - Giám đốc Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam cho biết, trong thời gian tới, trung tâm tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong công tác sản xuất giống, xây dựng vườn bảo tồn cây dược liệu 1.000 m2 để trồng bảo tồn giống cây dược liệu bản địa quý như: Đảng sâm, Bình vôi, Đương quy, Ngủ vị tử, Giảo cổ lam…
Bên cạnh đó, tập trung sản xuất cây giống đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng để cung ứng phục vụ sản xuất; ưu tiên nguồn lực để bảo tồn và phát triển vườn sâm Ngọc Linh giống gốc với diện tích quy hoạch 50,25ha, đến năm 2030 là một trong hai đơn vị bảo tồn nguồn giống gốc sâm Ngọc Linh để sản xuất, cung ứng nguồn cây giống đảm bảo về số lượng và đạt tiêu chuẩn theo quy định. Quy mô sản xuất đạt 500.000 cây giống/năm.
Đến năm 2045, là đơn vị góp phần đưa Quảng Nam trở thành Trung tâm sản xuất, cung ứng cây giống sâm Ngọc Linh; ổn định vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh, tổ chức sản xuất hướng theo tiêu chuẩn GACP - WHO; phát triển Sâm Ngọc Linh trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao và từng bước đưa trung tâm thành một trong những đơn vị chủ lực về sâm Ngọc Linh...