Quảng Nam muốn đưa sản phẩm OCOP “xuất ngoại” trên thị trường thế giới
Ngày 13/11, Sở Công thương tỉnh Quảng Nam cho biết, đoàn doanh nghiệp OCOP Quảng Nam tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc đã thành công quảng bá được rất nhiều sản phẩm của địa phương.
Theo đó, Hội nghị giao thương xúc tiến đầu tư, thương mại Việt Nam - Trung Quốc trong lĩnh vực công nghiệp, thực phẩm, nông sản và thủy sản khai mạc chiều 7/11.
Tham gia chương trình xúc tiến thương mại tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, phía tỉnh Quảng Nam có 5 doanh nghiệp OCOP Quảng Nam gồm, Công ty TNHH MTV Bảo Ly, Công ty TNHH Triết Minh, Công ty TNHH Bánh dừa Quý Thu, Công ty TNHH Trầm hương Tường Vy và HTX Nông ngư nghiệp Núi Thành.
Ông Hường Văn Minh - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Nam, Trưởng đoàn nhấn mạnh, tỉnh Quảng Nam tham gia Hội nghị giao thương "Xúc tiến Đầu tư - Thương mại Việt Nam - Trung Quốc trong lĩnh vực công nghiệp, thực phẩm, nông sản và thủy sản" nhằm nâng cao chất lượng và hỗ trợ kết nối, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm OCOP Quảng Nam vào thị trường Trung Quốc.
Tính đến nay, chương trình OCOP Quảng Nam có 351 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP; trong đó, có 293 sản phẩm 3 sao, 58 sản phẩm 4 sao. Cấp huyện Quyết định công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2023 cho 23 sản phẩm, trong đó có 5 sản phẩm công nhận lại. Hiện đã có 12/18 huyện/thị xã/thành phố đánh giá phân hạng công nhận hạng sản phẩm OCOP 3 sao.
"Tỉnh Quảng Nam xác định nâng cao chất lượng và hỗ trợ kết nối, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm OCOP Quảng Nam vào thị trường Trung Quốc là nội dung trọng tâm, giải pháp quan trọng trong xây dựng phát triển kinh tế-xã hội nông thôn, qua đó góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành công thương, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm; nâng cao thu nhập cho người dân thì cần thực hiện.
Nhiều sản phẩm OCOP của Quảng Nam có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, sản xuất theo đúng các quy định của nhà nước, từ đó, các sản phẩm tham gia chương trình này khi được công nhận đạt sao không chỉ tiêu thụ ở địa phương mà còn thu hút người tiêu dùng cả nước, được phân phối rộng rãi ở các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch giúp kinh tế nông thôn từng bước phát triển.
Từ việc đẩy mạnh triển khai chương trình OCOP, các sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương đã dần được khẳng định thương hiệu, nâng cao chất lượng và được nhiều người biết đến, hướng đến xuất khẩu", ông Minh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hường Văn Minh, việc đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại trong và ngoài nước đối với sản phẩm OCOP đã được UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định công nhận nhằm quảng bá hình ảnh OCOP, kết nối tiêu thụ sản phẩm; xây dựng một số Trung tâm OCOP cấp huyện; phát triển/nâng cấp các điểm bán hàng OCOP; tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại.
Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream).
Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế và truyền thống của địa phương để phát triển sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đạt chất lượng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong chế biến, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, an toàn thực phẩm.
Xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khép kín, đồng bộ gắn với năng lực tốt chức, quản trị và phát triển sản xuất, thương mại bền vững.
Đồng thời, phải có sự sáng tạo và sức mạnh cộng đồng, xây dựng môi trường để thúc đẩy sự sáng tạo của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm nâng cao chất lượng, phát triển sản phẩm mới gắn với nguyên liệu địa phương, sử dụng lao động địa phương và sức mạnh của cộng đồng trong tổ chức sản xuất, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới bền vững.
"Tham dự hội nghị lần này, tỉnh Quảng Nam cho đây là cơ hội để các doanh nghiệp của tỉnh có điều kiện tham gia trên các diễn đàn kết nối giao thương với các nhà phân phối xuất khẩu.
Đặc biệt, các doanh nghiệp của Trung Quốc có thế mạnh về chuyển đổi số nhằm phối hợp tổ chức hiệu quả các hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh tiết kiệm chi phí, rút ngắn khoảng cách và thời gian, tăng tốc độ và thời gian xử lý đơn hàng, tăng phạm vi và số lượng tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng góp phần đưa thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp tỉnh Quảng nam tiếp cận và có chỗ đứng vững chắc ở thị trường nước ngoài, từ đó đóng góp tích cực vào thành tích xuất khẩu của tỉnh…", ông Minh cho biết.