Quảng Ngãi: Huyện Bình Sơn phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn

29/11/2024 14:12 GMT+7
Phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch đang là hướng đi được huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đẩy mạnh thực hiện nhằm giới thiệu, quảng bá đến du khách những sản vật của địa phương. Đồng thời qua đó góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống và tạo động lực phát triển kinh tế bền vững.

Nhiều sản phẩm đặc trưng được gắn sao OCOP

Ông Ung Đình Hiền – Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết: "Hằng năm, trên cơ sở thực hiện kế hoạch Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của UBND tỉnh Quảng Ngãi, UBND huyện Bình Sơn tổ chức rà soát nhu cầu của các chủ thể, đăng ký tham gia OCOP, xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình, thành lập Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện.

Quảng Ngãi: Huyện Bình Sơn phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn - Ảnh 1.

Huyện Bình Sơn đang lập thủ tục đề nghị đưa nghề làm gốm Châu Ổ vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ảnh: CTV

"Đến nay, toàn huyện có 13 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, gồm: Hành tím Bình Hải, Nén Bình Phú, Tinh bột nghệ Bình Châu, Chanh thơm Bình Thanh, Ớt Bình Dương, Lục bình gốm Mỹ Thiện, Mực tẩm bè Hùng Loan, Chả cá Nguyễn Thị Lý, Bột ngũ cốc Hương Nguyên, Cốm tảo xoắn Spirulina VT, Chả lụa Tân Lập, Xiên que Tân Lập, Nước mắm cốt thượng hạng Mười Quý..." – Ông Hiền cho hay.

Cũng theo ông Hiền, Chương trình OCOP đã tạo điều kiện cho các sản phẩm đặc trưng của huyện Bình Sơn được nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã bao bì và tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, các sản phẩm nông sản đặc trưng được đẩy mạnh sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị nhằm không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Quảng Ngãi: Huyện Bình Sơn phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn - Ảnh 2.

Sản phẩm OCOP 3 sao Nước mắm cốt thượng hạng Mười Quý được tiêu thụ rộng rãi giúp nâng cao thu nhập cho người dân và gìn giữ nét đặc trưng của làng nghề sản xuất nước mắm truyền thống Sa Cần. Ảnh: CTV

Nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện được cập nhật dữ liệu trên sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Quảng Ngãi, Cổng thông tin điện tử OCOP tỉnh....

Thời gian qua, các sản phẩm OCOP huyện Bình Sơn được tiêu thụ rộng rãi không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người dân, mà còn gìn giữ được nét đặc trưng của các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện như: làng nghề sản xuất nước mắm truyền thống Sa Cần, làng gốm cổ Mỹ Thiện (thị trấn Châu Ổ). Hiện nay, huyện đang lập thủ tục đề nghị đưa nghề làm gốm Châu Ổ vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Phát triển OCOP gắn với du lịch nông thôn

Ông Hiền chia sẻ, trong 6 nhóm sản phẩm OCOP thì nhóm sản phẩm dịch vụ, du lịch được xem là quan trọng và là giải pháp giúp tiêu thụ sản phẩm bản địa hiệu quả, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.

Quảng Ngãi: Huyện Bình Sơn phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn - Ảnh 3.

Bàu Cá Cái mang vẻ đẹp độc đáo quanh năm. Mỗi mùa, ở khu rừng ngập mặn này có sức hấp dẫn riêng mê hoặc du khách. Ảnh - Internet

Bình Sơn là một huyện đồng bằng ven biển, nằm ở cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Quảng Ngãi. Với điều kiện địa lý thuận lợi tạo nhiều tiềm năng phát triển du lịch tại các địa phương nông thôn, UBND huyện chỉ đạo đẩy mạnh việc phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới tại Bàu Cá Cái (xã Bình Thuận), Rừng dừa nước (xã Bình Phước).

Hiện nay, Khu du lịch cộng đồng Bàu Cá Cái có diện tích hơn 400ha, riêng diện tích rừng ngập mặn là 110ha. Nơi đây có 63 hộ dân với 166 nhân khẩu đang sinh sống và hoạt động du lịch.

UBND xã Bình Thuận đã công nhận Tổ du lịch cộng đồng Bàu Cá Cái gồm 51 thành viên, thành lập Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Bàu Cá Cái với các dịch vụ phục vụ khách gồm: chèo xuồng tham quan rừng ngập mặn; homestay; ẩm thực; trưng bày và giới thiệu các sản phẩm sinh hoạt, sản xuất truyền thống, đồ vật xưa từ các thế kỷ XVI, XVII; giao lưu nghệ thuật bài chòi; hoạt động trải nghiệm biển Bãi Nhất....

Quảng Ngãi: Huyện Bình Sơn phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn - Ảnh 4.

việc lồng ghép xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch sẽ tận dụng được tối đa nguồn lực đầu tư của địa phương. Sản phẩm OCOP sẽ góp phần làm phong phú cho phát triển du lịch, thu hút du khách và hoạt động du lịch sẽ quảng bá, tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP. Ảnh: Hải Yến

Từ đầu năm đến nay, Khu du lịch cộng đồng Bàu Cá Cái đã đón hơn 13.000 lượt khách tham quan, học tập. Hiện nay, Bình Sơn đang hỗ trợ kinh phí thực hiện xây dựng sản phẩm OCOP cho Du lịch cộng đồng Bàu Cá Cái, góp phần tạo được niềm tin về tiêu chuẩn, chất lượng trong lòng du khách. Qua đó, vừa nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, vừa gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương.

Ông Hiền cho hay, việc lồng ghép xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch sẽ tận dụng được tối đa nguồn lực đầu tư của địa phương. Sản phẩm OCOP sẽ góp phần làm phong phú cho phát triển du lịch, thu hút du khách và hoạt động du lịch sẽ quảng bá, tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP.

"Việc quan tâm, đầu tư phát triển sản phẩm OCOP sẽ giúp nâng tầm sản phẩm, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương, cải thiện thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển du lịch nông thôn bền vững..." – Ông Hiền nhấn mạnh.

Trần Hậu - Tuyết Nhung
Cùng chuyên mục