Quảng Ngãi: “Nữ hoàng triệu đô” xoá hoài nghi “mắc cạn” ở xứ ngàn cau Sơn Tây

23/06/2023 11:30 GMT+7
Sau gần 10 năm, mắc ca loại cây được ví “nữ hoàng triệu đô”, hay “nữ hoàng của các loại hạt” đã xoá hoài nghi “mắc cạn”, bước ra khỏi mô hình thí điểm và khẳng định chỗ đứng tại miền núi Sơn Tây, với diện tích đã nhân rộng tính bằng con số hàng chục ha.

Hành trình của "Nữ hoàng triệu đô" trên vùng đất mới

Năm 2014, sau một thời gian tìm hiểu và bàn thảo, từ ngân sách và một số nguồn khác, chính quyền huyện Sơn Tây đã triển trồng thí điểm mô hình mắc ca trên diện tích 6 ha, tại 3 xã Sơn Bua, Sơn Liên và Sơn Long (2 ha/xã), với sự tham gia của 6 hộ.

Quảng Ngãi: “Nữ hoàng triệu đô” mắc ca xoá hoài nghi “mắc cạn” ở xứ ngàn cau  - Ảnh 1.

Bí thư Huyện uỷ Sơn Tây Lê Văn Tùng kiểm tra 1 điểm trồng mắc ca. Ảnh: A.Phạm.

Theo đại diện chính quyền huyện Sơn Tây, có nhiều giống mắc ca được đưa vào trồng thí điểm (gồm OC, 816, 246, 849), với số lượng 312 cây/ha (4m x 6m), thời gian thực hiện từ năm 2014 – 2019, với tổng vốn đầu tư khoảng 1,736 tỷ đồng.

Kết quả tại 3 điểm trồng thử nghiệm, mắc ca khi đạt 4 tuổi đều bắt đầu có quả; chiều cao trung bình của năm thứ 9 sau khi trồng dao động từ 4m – 4,5m; đường kính tán từ 3,5 - 4,8m và năng suất quả trung bình dao động trong khoảng 1,9 - 3,5 kg/cây (giống OC).

Cụ thể tại 2 vườn trồng xã Sơn Long và Sơn Liên, mắc ca sinh trưởng phát triển tốt và năng suất khá, đạt từ 3,2 -3,5 kg/cây (cây 9 tuổi, giống OC), bằng 80% - 87,5% năng suất tại các tỉnh Tây nguyên và bằng 106,67% - 116,67% năng suất tại các tỉnh Tây Bắc.

Đối với điểm trồng tại xã Sơn Bua, cây sinh trưởng phát triển chậm, chết nhiều, năng suất thấp, bình quân chỉ đạt 1,9kg/cây (cây đạt 9 tuổi). Nguyên nhân là do tầng đất canh tác mỏng, địa hình độ dốc lớn 15 - 25 %; đất thịt pha cát có khả năng giữ nước thấp; về mùa khô bị hốc, độ ẩm thấp…

Trong 4 loại giống mắc ca được trồng (OC, 816, 246, 849), thì dòng OC và 816 có tỉ lệ ra hoa đậu quả cao hơn, so với 2 giống còn lại, trong đó giống OC cho năng suất cao, ổn định và tăng lên theo từng năm.

Đây là một sự thành công lớn của mô hình thử nghiệm (xác định được loại giống phù hợp, chân đất và vùng trồng thích nghi với cây mắc ca trên địa bàn), để làm cơ sở khuyến khích người dân nhân rộng mô hình cho phù hợp.

Xoá tan hoà nghi "mắc cạn"

Đến nay gần 10 năm kể từ khi thực hiện mô hình thử nghiệm cây mắc ca, từ kết quả thực tế nêu trên chính quyền huyện Sơn Tây khẳng định, điều kiện tự nhiên của địa phương phù hợp cho mắc ca phát triển.

Quảng Ngãi: “Nữ hoàng triệu đô” mắc ca xoá hoài nghi “mắc cạn” ở xứ ngàn cau  - Ảnh 3.

Một nhành mắc ca đang cho trái. Ảnh: Công Xuân.

Theo đó phù hợp và vượt trội nhất là mắc ca giống OC, với năng suất được đánh giá tương đương các vùng trồng mắc ca tại Việt Nam.

Kỹ thuật trồng, chăm sóc thâm canh cây mắc ca đơn giản, phù hợp với trình độ canh tác của người dân địa phương; có đủ điều kiện phát triển mở rộng diện tích, thành cây chủ lực để thay thế dần cho cây keo và cây mỳ, tạo hướng đi mới bền vững trong phát triển nông – lâm nghiệp, nâng cao thu nhập của người dân; tăng độ che phủ rừng trên địa bàn huyện.

Điều đáng chú ý nữa là kể từ sau hội thảo sơ kết mô hình trồng thử nghiệm cây mắc ca được tổ chức trong năm 2017, nhiều hộ dân Sơn Tây đã chọn cây mắc ca để phát triển kinh tế.

Quảng Ngãi: “Nữ hoàng triệu đô” mắc ca xoá hoài nghi “mắc cạn” ở xứ ngàn cau  - Ảnh 5.

Thu hoạch mắc ca tại một vườn trồng. Ảnh: Công Xuân.

Theo đó vào cuối năm 2017, ông Nguyễn Lên, ở xã Sơn Liên đã mạnh dạn đầu tư trồng mới 6 ha Mắc ca (giống OC). Đến nay sau hơn 5 năm, vườn mắc ca của ông Lên sinh trưởng, phát triển tốt hơn so với vườn thực nghiệm khi cùng tuổi; độ đồng đều của cây cao và hiện đã cho trái bói.

Quảng Ngãi: “Nữ hoàng triệu đô” mắc ca xoá hoài nghi “mắc cạn” ở xứ ngàn cau  - Ảnh 6.

Mắc ca thu hoạch được. Ảnh: Công Xuân.

Đến năm 2022 vừa qua, hộ dân Nguyễn Ngọc Thành, xã Sơn Dung đã đầu tư mua 880 cây Mắc ca (giống OC), trồng trên diện tích khoản 5 ha; hộ ông Đinh Văn Tơn, mua trồng 120 cây mắc ca, hiện nay số mắc ca của 2 hộ dân này, không chỉ sinh trưởng và phát triển tốt, mà tỷ lệ sống còn đạt trên 90%.

Công Xuân
Cùng chuyên mục