Quốc hội dự kiến giám sát thị trường bất động, nhà ở xã hội tại 8 Bộ, ngành và 12 địa phương nào?

Thái Nguyễn Thứ năm, ngày 17/08/2023 19:17 PM (GMT+7)
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết đoàn giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” của Quốc hội dự kiến tổ chức giám sát trực tiếp tại 8 Bộ, ngành và 12 địa phương.
Bình luận 0

Tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, mục đích của việc giám sát nhằm đánh giá một cách toàn diện, khách quan việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023. 

Từ đó, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm, đề xuất các kiến nghị, giải pháp về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Trong đó có việc ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Theo báo cáo kế hoạch chi tiết và Đề cương các báo cáo giám sát, đối tượng giám sát là Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Về phạm vi giám sát, Đoàn sẽ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội trên phạm vi cả nước từ ngày 1/7/2015 đến hết ngày 31/12/2023.

Quốc hội dự kiếm giám sát thị trường bất động, nhà ở xã hội tại 8 Bộ, ngành và 12 địa phương nào? - Ảnh 1.

Quốc hội giám sát thị trường bất động sản tại 8 Bộ, ngành và 12 địa phương (Ảnh: TN)

Đáng chú ý, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Đoàn giám sát dự kiến tổ chức giám sát trực tiếp tại 8 bộ, ngành, cơ quan: Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước. Cùng với đó, Đoàn dự kiến giám sát trực tiếp tại 12 địa phương, bao gồm: thành phố Hà Nội, TP.HCM, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hải Phòng, thành phố Cần Thơ và các tỉnh như: Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hưng Yên, Bình Dương, Bình Thuận, Đồng Nai, Khánh Hòa.

Về nội dung giám sát, đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản, Đoàn dự kiến tập trung giám sát các vấn đề về: Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai quản lý thị trường bất động sản; công tác quy hoạch (liên quan đến việc lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bố trí quỹ đất cho phát triển thị trường bất động sản; tác động, ảnh hưởng của các quy hoạch đến sự phát triển của thị trường bất động sản; giám sát quy hoạch).

Ngoài ra, tình hình hoạt động của doanh nghiệp bất động sản (quy mô, số lượng doanh nghiệp thành lập, hoạt động, giải thể, phá sản; năng lực tài chính; thực hiện các chính sách về thuế và việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính của tổ chức, cá nhân trong kinh doanh bất động sản); Việc triển khai các dự án bất động sản (Chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư; điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư để thực hiện dự án bất động sản);... 

Các nội dung về đặt cọc trong giao dịch kinh doanh bất động sản; thanh toán trong giao dịch bất động sản; hợp tác quốc tế về kinh doanh bất động sản; tín dụng của thị trường bất động sản (tín dụng bất động sản, tín dụng cho vay tiêu dùng trong lĩnh vực bất động sản, cấp tín dụng bất động sản, hạn mức tín dụng cho bất động sản, phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ, bảo lãnh của các ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu, bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai;... cũng nằm trong kế hoạch dự kiến của Đoàn giám sát.

Đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội, Đoàn giám sát sẽ giám sát các nội dung: Chương trình, kế hoạch, các hình thức phát triển nhà ở xã hội; đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội; quỹ đất, nguồn vốn để xây dựng nhà ở xã hội; việc thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội; việc xác định giá thuê, giá thuê mua, giá bán nhà ở xã hội; nguyên tắc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội; về quản lý, vận hành nhà ở xã hội; công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, kiểm toán, xử lý vi phạm...

Đến trước ngày 15/8/2024, Đoàn giám sát hoàn thiện dự thảo báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết kết quả giám sát chuyên đề, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8/2024. Đoàn giám sát trình Quốc hội Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem