"Rất khó dự báo liệu lãi suất tăng đến đâu thì hạ"

11/11/2022 08:15 GMT+7
GS.Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, rất khó dự báo liệu lãi suất tăng đến đâu thì hạ xuống, bởi "lời giải" phụ thuộc vào quan hệ thị trường.

Lãi suất tăng tác động trực tiếp tới chi phí vốn của doanh nghiệp

Chia sẻ về vấn đề "nóng" của thị trường trong thời gian qua đó là lãi suất, GS. Hoàng Văng Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, lạm phát của các nước trên thế giới đang ở mức "rất cao". Trong bối cảnh đó, NHTW các nước như Mỹ, Châu Âu,... liên tục tăng lãi suất. Điều này "vô hình chung" đẩy tiền đồng mất giá, ngay lập tức tỷ giá USD/VND liên tiếp có những "bước sóng" lớn.

GS. Hoàng Văn Cường cho rằng, nếu như để cho tỷ giá tăng cao, sẽ tác động đến các hoạt động về xuất nhập khẩu, ảnh hưởng ngay đến vấn đề cân đối ngân sách, ngoại tệ cho các doanh nghiệp.

"Như vậy là rất rủi ro, buộc chúng ta phải có biện pháp để điều chỉnh, không phải là giữ tỷ giá nhưng phải kiểm soát tỷ giá ở mức phù hợp. Chúng ta không thể chỉ dùng biện pháp đơn thuần là bán ngoại tệ ra ngoài thị trường để giữ tỷ giá, bởi điều này sẽ tác động tới dự trữ ngoại hối. Và tăng lãi suất chính là một trong những công cụ để nâng giá trị tiền đồng", GS. Hoàng Văn Cường phân tích thêm.

Liệu lãi suất tăng đến bao giờ thì hạ? - Ảnh 1.

GS.Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.

Tôi cho rằng, trong 2 năm qua, Việt Nam đã rất thành công trong điều hành chính sách tài khóa. Đó là chúng ta không thực hiện những giải pháp quá vội vàng, không giật cục, để tạo ra những "cú sốc" đối với nền kinh tế.

GS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội

Ông cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh tăng lãi suất để cân đối được tỷ giá khá ổn định và đảm bảo chống được lạm phát như các nước đang làm là một điều cần thiết.

Tuy nhiên, mặt trái của tăng lãi suất điều hành, khiến lãi suất của các ngân hàng "nóng lên" như trong thời gian gần đây. Điều này tác động trực tiếp tới chi phí vốn của doanh nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp đang trong bối cảnh phục hồi sản xuất kinh doanh, hiệu quả chưa cao nhưng phải "gánh" lãi vay cao có thể đối mặt với nguy cơ đình trệ sản xuất.

Lãi suất tăng đến bao giờ hạ?

Trước câu hỏi, đến khi nào cuộc đua lãi suất tại các ngân hàng dừng lại, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, nói rất khó để dự báo. Bởi theo GS. Hoàng Văn Cường, lãi suất tăng đến đâu, hạ xuống phải phụ thuộc vào quan hệ thị trường.

"Việt Nam phải căn cứ vào thị trường thế giới để điều hành chính sách trong nước. Khi nào đồng tiền thế giới không tiếp tục tăng giá, NHTW các nước không nâng lãi suất. Cung cầu tiền tệ ổn định, giảm áp lực thu hút tiền nhàn rỗi trong dân, các ngân hàng có thể giảm dần lãi suất xuống.

Mặc dù tăng lãi suất sẽ hạn chế được dòng tiền vào lĩnh vực đầu cơ, nhưng tôi vẫn nhấn mạnh rằng tăng quá mạnh sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp và quá trình phục hồi", GS. Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.

Cũng theo Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Việt Nam không thể giữ giá tiền đồng không biến động, trong khi các đồng tiền khác tăng giá. Phải chấp nhận mất giá đồng tiền ở một giới hạn nào đó, nhưng phải cân nhắc, nếu đồng tiền mất giá quá thì nhà đầu tư, người dân sẽ bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, chúng ta cũng phải chấp nhận tỷ lệ lạm phát ở một mức độ nhất định. Không thể giữ yên tỷ lệ lạm phát, trong khi lạm phát thế giới tăng cao. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải cân nhắc, nếu để lạm phát tăng cao sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân và sản xuất kinh doanh.

Liệu lãi suất tăng đến bao giờ thì hạ? - Ảnh 3.

Mặt trái của tăng lãi suất chính là tác động trực tiếp tới chi phí vốn của doanh nghiệp. (Ảnh: VCB)

Theo GS. Hoàng Văn Cường, tất cả những giải pháp đưa ra trong thời gian qua của nhà điều hành đều nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Riêng đối với khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh lãi vay "đắt đỏ", ông Cường cho biết, Chính phủ vẫn đang chủ trương tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh các biện pháp tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp như giãn, hoãn thuế, phí, cấp bù lãi suất.

Đặc biệt, trong thời điểm hiện tại, GS. Hoàng Văn Cường cho rằng, chính sách tài khóa đang có một thuận lợi đó là đang duy trì mức nợ công khá thấp, khoảng 43 – 44% GDP, so với trần cho phép là 60% GDP.

"Như vậy, chúng ta đang còn dư địa để sử dụng bội chi nhiều hơn, nghĩa là hướng đến không thu nhiều của doanh nghiệp mà ngược lại vẫn còn ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn. Chính sách tài khóa vẫn là cốt yếu cho điều hành và ổn định nền kinh tế vĩ mô trong bối cảnh hiện nay", Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh.


Nhóm PV
Cùng chuyên mục