Rừng dổi cho thu vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng mỗi năm

12/08/2020 16:14 GMT+7
Cây dổi xanh gần đây được nhân trồng khá nhiều ở Tây Nguyên và cho thu nhập cao, từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng 1 ha mỗi năm.

Loài cây rừng quen thuộc, cho gỗ quý, hạt quý, nay đang trở thành cây kinh tế mạnh, thu hút người dân, tạo ra làn gió mới về trồng rừng ở khu vực, tăng độ che phủ và hiệu quả kinh tế của cả rừng và nương rẫy.

Đứng cạnh cây dổi mới trồng được 2 năm nhưng đã cao đến 3,5m, hoa quả trĩu cành, chị Phạm Thị Nhạn, thôn Đồi Mây, xã biên giới Đắk Wil, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông không giấu niềm phấn khởi. Quyết định “thay máu” cho vườn hồ tiêu của gia đình đã phát huy hiệu quả.

Chị Nhạn cho biết, trong 3 loài cây thay thế hồ tiêu là sầu riêng, đàn hương và dổi, thì cây dổi nổi trội hơn cả. Cây sinh trưởng rất nhanh, đều và chuẩn bị cho thu bói với khoảng 2-3kg quả tươi/cây, với giá 100.000 đồng/kg quả tươi thì 200 cây dổi đã mang về khoảng 50 triệu đồng.

Rừng dổi cho thu vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng mỗi năm - Ảnh 1.

Cây dổi bắt đầu làm thay đổi cách nhìn về trồng rừng, giúp khẳng định “rừng là vàng”.

“Cây dổi phát triển mạnh lắm, từ lúc trồng đến giờ thì chỉ bỏ có 1 lần phân, còn mùa khô thì chỉ cần tưới ít nước. Cây dễ lắm, không phải xịt thuốc gì. Đốt nào cũng có hoa, đốt nào cũng có trái này, cái này chắc đến tết là được hái” - chị Nhạn chia sẻ.

Ông Thào Seo Pao, dân tộc Mông, thôn 11, xã vùng sâu Cư San, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk cũng đã trồng 400 cây dổi trên diện tích 4ha đất đồi vào cuối năm 2019. Mới trồng 10 tháng, cây đã cao hơn 1m, không ít cây đã bắt đầu ra hoa. cây dổi đã mang tới cho ông rất nhiều hy vọng.

“Cây dổi là mình trồng 4-5 năm có thu là cứ thu đều đều, không phải trồng lại nữa, tuổi thọ nó rất là cao, có thể cả trăm năm. Hiệu quả kinh tế cũng cao hơn gấp mấy lần keo lai. Vì cây keo lai thì trồng cứ 4-5 năm phải khai thác và trồng lại, chi phí nó nhiều hơn mà lợi nhuận kém hơn cây dổi” - ông Thào Seo Pao nói.

Rừng dổi cho thu vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng mỗi năm - Ảnh 2.

Cây dổi 3 năm tuổi trồng ở xã Cư Yang, huyện Ea Kar đã trĩu quả.

Giống dổi mà ông Thào Seo Pao ở xã vùng 3 Cư San và bà Phạm Thị Nhạn ở xã biên giới Đắk Wil trồng là giống dổi lai ghép, được lai ghép từ cây ngọc lan với cây dổi rừng ở huyện M’Đrắk, tỉnh Đăk Lăk. Cây dổi giống mới còn mở ra cơ hội làm giàu cho người dân. Nhiều vườn dổi được đưa vào trồng xen tạo ra mô hình nông lâm kết hợp hiệu quả kinh tế rất cao.

“Cây dổi là cây lâm nghiệp rất dễ trồng, phát triển tốt ở tất cả các loại đất và tình hình sâu bệnh hại rất ít. Hiệu quả kinh tế từ cây dổi đã thể hiện rõ rệt, vượt trội, khoảng hơn 100 cây/ha thì thu hoạch hơn 500 triệu đồng” - bà Hồ Thị Cẩm Lai, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết.

Phát triển rừng trồng trong giai đoạn hiện nay, cần đồng thời đáp ứng cả yêu cầu về độ che phủ, nguồn thu hàng năm và giá trị gỗ khi kết thúc chu kỳ. Cây dổi đã giải quyết được tất cả và bắt đầu làm thay đổi cách nhìn về trồng rừng, giúp khẳng định “rừng là vàng”./.

Công Bắc
Cùng chuyên mục