Samco - ông lớn ngành vận tải Tp. HCM làm ăn thế nào trước cổ phần hóa?

29/11/2020 16:21 GMT+7
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của Samco đạt gần 2.950 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng giai đoạn 2019. Mặc dù doanh thu sụt giảm, song các chi phí tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp vẫn tăng chót vót, khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 206 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính quý III/2020 công ty mẹ của Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài gòn - TNHH MTV (Samco) cho thấy, công ty ghi nhận doanh thu thuần trong quý đạt 1.106 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ 2019. Chiếm phần lớn cơ cấu doanh thu là hoạt động bán xe ô tô: 861 tỷ đồng.

Trừ đi 1.064 tỷ đồng giá vốn sản phẩm, Samco thu về hơn 42 tỷ đồng lợi nhuận gộp, giảm 29%.

Trong khi doanh thu hoạt động tài chính ở mức 780 triệu đồng, chi phí tài chính của Samco tăng gấp rưỡi lên 22,6 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp vẫn ở mức cao, giảm nhẹ 4% và 9%, duy trì lần lượt là 55 tỷ đồng và 28,8 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Samco ghi nhận khoản "thu nhập khác" tăng đột biến gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, neo ở mức gần 167 tỷ đồng. Đây là khoản tiền từ cổ tức và lợi nhuận được chia của Samco tại các công ty con.

Nhờ đó, công ty vẫn báo lãi trước thuế quý III đạt 101 tỷ đồng, cải thiện rất nhiều so với con số 7,5 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Samco làm ăn thế nào trước cổ phần hóa? - Ảnh 1.

Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài gòn - TNHH MTV (Samco)

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của Samco đạt gần 2.950 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng giai đoạn 2019. Mặc dù doanh thu sụt giảm, song các chi phí tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp vẫn tăng chót vót, khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 206 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với nguồn thu từ cổ tức và lợi nhuận được chia, Samco vẫn có lãi trước thuế gần 20 tỷ đồng, giảm đến 91% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính tại ngày 30/9/2020, tổng tài sản của Samco nhẹ 9% so với đầu năm về mức 4.871 tỷ đồng. Trong đó tài sản ngắn hạn là 1.733 tỷ đồng, tài sản dài hạn 3.138.

Về nguồn vốn, nợ ngắn hạn của công ty giảm còn 1.512 tỷ đồng, chiếm phần lớn là vay nợ tài chính ngắn hạn: 1063 tỷ đồng và khoản "phải trả người bán ngắn hạn": 123,4 tỷ đồng.

Nợ dài hạn đi ngang ở mức 971 tỷ đồng, trong đó vay nợ tài chính dài hạn: 416 tỷ đồng, phải trả dài hạn khác: 377 tỷ đồng. Samco cũng có 138 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện dài hạn.

Được biết, tiền thân Tổng công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO) -TNHH MTV là Công xưởng Đô Thành thành lập năm 1975 và chuyển sang mô hình công ty TNHH MTV vào năm 2010.

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định phê duyệt danh mục 93 doanh nghiệp Nhà nước thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, trong đó có SAMCO. Theo kế hoạch, SAMCO thuộc nhóm doanh nghiệp cổ phần hóa mà Nhà nước sẽ nắm giữ từ 50% đến dưới 65% vốn.

Hoạt động kinh doanh của SAMCO mẹ bắt đầu phát sinh lỗ từ năm 2018, nhưng, hợp nhất nhóm công ty Samco đạt lãi lớn. Tuy nhiên, báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2020 cho thấy, nhóm công ty  SAMCO đang bị lỗ thuần, với lợi nhuận thuần âm 17 tỷ đồngm so với cùng kỳ năm trước lãi gần 302 tỷ đồng. Nhờ khoản lợi nhuận khác, SAMCO hợp nhất 6 tháng đạt 34 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm hơn 90% so với cùng kỳ năm trước.


Q.D
Cùng chuyên mục