Sau 1 tuần phủ sóng 5G, Trung Quốc khởi động phát triển mạng 6G "vượt mặt" Mỹ
Trung Quốc bắt tay nghiên cứu phát triển mạng 6G
Hôm 7/11, Bộ Khoa học Công nghệ Trung Quốc tuyên bố chúng thức thành lập hai nhóm nghiên cứu để phát triển thế hệ mạng viễn thông 6G sau thành công của mạng 5G.
Một nhóm sẽ bao gồm các cơ quan Chính phủ chịu trách nhiệm thúc đẩy, hỗ trợ các công tác nghiên cứu phát triển mạng 6G. Nhóm còn lại bao gồm 37 trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp chịu trách nhiệm trực tiếp phát triển mạng 6G, đưa ra các tư vấn và nghiên cứu từ góc độ chuyên môn kỹ thuật.
Hôm 1/11, Bắc Kinh vừa chính thức ra mắt mạng di động 5G với tốc độ dữ liệu được quảng cáo là nhanh gấp 100 lần kết nối mạng 4G hiện tại. Cách thức hoạt động của 5G sẽ thay đổi hoàn toàn các kết nối Internet, không chỉ trên smartphone mà còn các thiết bị điện tử khác như TV, xe hơi…, thậm chí cả hệ thống đèn đường. Tại 50 thành phố lớn nhất Trung Quốc, hàng chục ngàn cột thu phát sóng 5G đã mang đến cho người dùng những trải nghiệm tuyệt vời như chơi game mượt mà, tải xuống phim và ứng dụng chỉ trong vài giây…
Nhiều chuyên gia đánh giá Trung Quốc đã giành thắng lợi trước Mỹ trong cuộc đua 5G khi đẩy nhanh quá trình ra mắt tới 2 tháng so với dự kiến. Gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei hiện cũng nắm trong tay hơn 60 hợp đồng phát triển mạng 5G, vượt xa hai đối thủ lớn là Nokia và Ericsson bất chấp những chiêu bài gây áp lực từ Washington.
Nói một cách khái quát, người dân Trung Quốc đang được trải nghiệm 5G trong khi phần còn lại của thế giới vẫn gắn bó với 4G. Chính phủ Trung Quốc đang thúc đẩy phát triển mạng 6G khi mạng 5G trên thế giới vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Bên cạnh Trung Quốc, hiện chỉ có Hàn Quốc là quốc gia thứ 2 trên thế giới đã ra mắt mạng 5G.
Phát triển mạng 6G là một hành trình dài
Dù đạt được những tiến bộ đặc biệt trong cuộc đua 5G, Trung Quốc vẫn phải thừa nhận rằng phát triển 6G là một hành trình dài phía trước. Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Wang Xi mới đây cho hay dự án nghiên cứu 6G hiện vẫn đang trong giai đoạn xây dựng lộ trình kỹ thuật ban đầu, với các chỉ số và tiêu chuẩn hóa chưa được xác định.
Hồi tháng 9, tập đoàn viễn thông Huawei cũng tuyên bố bắt đầu nghiên cứu phát triển mạng 6G, nhưng CEO Huawei Nhậm Chính Phi cũng thừa nhận rằng sẽ mất một thời gian dài, có thể lên tới hàng thập kỷ trước khi mạng 6G được thương mại hóa.
Từ lâu, mạng 5G đã trở thành một phần trong căng thẳng thương mại - chính trị giữa Washington và Bắc Kinh khi Tổng thống Donald Trump kỳ vọng Mỹ giành ưu thế trong cuộc đua 5G nhưng kết quả nhận về không như mong đợi. Đỉnh điểm của căng thẳng là khi Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen, cấm nhập khẩu linh kiện và công nghệ Mỹ nhằm chặn chuỗi cung ứng của gã khổng lồ viễn thông. Mỹ còn tạo áp lực cho hàng loạt đồng minh như Anh và Pháp, cảnh báo rằng thiết bị mạng Huawei là mối đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia và Nhà Trắng sẽ ngay lập tức cắt đứt mạng chia sẻ tin tức tình báo nếu các nước này cho phép Huawei nhúng tay vào xây dựng mạng 5G. Trước cảnh báo của Mỹ, New Zealand và Australia đã “cấm cửa” Huawei ngay sau đó. Tất nhiên, nỗ lực của Nhà Trắng chưa đủ để triệt hạ Huawei.
Giờ đây, khi Trung Quốc tuyên bố bắt tay vào phát triển mạng 6G, nước này tiếp tục trở thành “cái gai” trong mắt Donald Trump. Tham vọng siêu cường của Trung Quốc không nghi ngờ gì là sự đối lập hoàn toàn với mục tiêu giữ thế thống trị của Mỹ. Đúng như các chuyên gia CNBC nhận định: “Danh sách đen có khả năng được sử dụng như một đòn bẩy trong các cuộc đàm phán thương mại. Nhưng không ai có thể chắc chắn sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt đến thỏa thuận thương mại, các công ty công nghệ Trung Quốc sẽ thoát khỏi tầm ngắm của Lầu Năm Góc”.