Sau Alibaba, thêm một ông lớn công nghệ Trung Quốc nhận án phạt từ Bắc Kinh
Cơ quan Quản lý Thị trường Nhà nước (SAMR) cho biết đã điều tra các hoạt động của Tencent trên thị trường âm nhạc trực tuyến Trung Quốc, trong đó bản quyền âm nhạc là tài sản cốt lõi.
Tuyên bố cấm Tencent tham gia các thỏa thuận độc quyền bản quyền âm nhạc được đưa ra trong bối cảnh cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc để mắt đến Tencent vì hành vi cạnh tranh không công bằng trên thị trường âm nhạc trực tuyến sau khi mua lại tập đoàn China Music Corporation.
Tencent và công ty con Tencent Music Entertainment Group sau đó đồng loạt đưa ra thông cáo khẳng định sẽ tuân thủ quyết định của các cơ quan có thẩm quyền.
Hồi giữa tháng 7, Reuters từng đưa tin các cơ quan quản lý chống độc quyền Trung Quốc sẽ buộc công ty con phát nhạc trực tuyến của Tencent từ bỏ quyền độc quyền bản quyền âm nhạc mà họ đang nắm giữ để cạnh tranh với các đối thủ khác trên thị trường. Theo SAMR, Tencent hiện nắm giữ hơn 80% tài nguyên thư viện âm nhạc độc quyền trong nước sau thương vụ mua lại China Music Corporation. Điều này đang hạn chế sự gia nhập của các công ty khác vào thị trường âm nhạc trực tuyến nội địa.
Với quyết định mới nhất của SAMR, Tencent và các công ty liên kết với Tencent sẽ không được tham gia vào các thỏa thuận độc quyền bản quyền âm nhạc với các chủ sở hữu cấp cao bản quyền. Các thỏa thuận độc quyền có hiệu lực hiện tại phải được chấm dứt trong vòng 30 ngày kể từ sau thông báo của SAMR. Cơ quan quản lý cũng yêu cầu Tencent phải nộp phạt 500.000 nhân dân tệ (77.150 USD) cho hành vi lạm dụng quyền lực thị trường nói trên.
Hồi đầu tháng, SAMR cũng chặn kế hoạch của Tencent nhằm hợp nhất hai trang web phát trực tuyến trò chơi điện tử hàng đầu đất nước là Huya và DouYu trên cơ sở luật chống độc quyền.
Chính phủ Trung Quốc trong thời gian qua đã tăng cường các động thái chống độc quyền nhằm ngăn chặn hành vi lạm dụng quyền lực thị trường của các công lớn công nghệ Trung Quốc. Khoản phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD với Alibaba do hành vi độc quyền thị trường là một minh chứng tiêu biểu.
Các công ty thương mại điện tử là những doanh nghiệp đầu tiên lọt vào tầm ngắm của Bắc Kinh về hành vi độc quyền. SAMR cáo buộc các công ty này lợi dụng sức mạnh thị trường để đưa ra chiến thuật bán hàng tạm gọi là “chọn một trong hai”. Chiến thuật buộc người bán hàng trên nền tảng này phải ký một thỏa thuận độc quyền không cung cấp sản phẩm trên nền tảng khác của đối thủ. Giới chức Bắc Kinh quan ngại hành động như vậy sẽ bóp méo môi trường kinh doanh, gây thiệt hại cho quyền lợi người tiêu dùng.
“Trung Quốc phát cảnh báo rằng họ đã và đang thực thi luật chống độc quyền nhằm kiềm chế chính các tập đoàn công nghệ lớn trong nước. Nếu một công ty buộc khách hàng ký thỏa thuận ‘chọn một trong hai” và không bán hàng trên nền tảng của đối thủ, đó sẽ là hành vi vi phạm luật chống độc quyền điển hình. Nó kìm hãm khả năng cạnh tranh lành mạnh và làm tổn thương người tiêu dùng” - tờ Barrons trích lời giáo sư Eleanor M. Fox, cựu chuyên gia chống độc quyền tại Bộ Tư pháp Mỹ.
“Ngành công nghệ internet Trung Quốc đã nở rộ nhanh chóng đến mức một số công ty tiếp tục áp dụng các biện pháp độc quyền bất chấp sức mạnh thị trường ngày càng tăng. Một phần nguyên nhân là do trong vài năm trước đó, cơ quan quản lý đã lơ là thực thi quy định” - ông François Renard, người đứng đầu công ty luật quốc tế Allen & Overy's Greater China Antitrust Practice cho hay.
Các nhà chức trách Trung Quốc hiện đang tích cực ban hành văn bản hướng dẫn luật với kỳ vọng doanh nghiệp tự nắm bắt và thực thi hiệu quả quy định chống độc quyền. Sau khoản tiền phạt kỷ lục mà Alibaba phải trả, thực trạng tuân thủ luật có tín hiệu được cải thiện rõ rệt. Nhiều công ty đã thuê chuyên gia tư vấn luật cấp cao để thảo luận về vấn đề này.