Lọt "tầm ngắm" của Bắc Kinh, vốn hóa Tencent bốc hơi 62 tỷ USD
Cổ phiếu Tencent tụt 4% trong phiên giao dịch đầu tuần 15/3, kế tiếp mức giảm 4,4% tại phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước. Loạt động thái này khiến vốn hóa của Tencent bốc hơi 62 tỷ USD, tương đương phần lớn giá trị của mảng kinh doanh tài chính trực tuyến mà công ty đang nắm giữ.
Các nhà đầu tư đã bán tháo cổ phiếu Tencent khi hãng này trở thành mục tiêu tiếp theo mà cơ quan quản lý tài chính hàng đầu Trung Quốc tăng cường giám sát. Giống như Ant Group, một công ty con trực thuộc tập đoàn Alibaba do Jack Ma sáng lập, Tencent có thể sẽ bị yêu cầu tái cấu trúc, thành lập một công ty tài chính riêng chuyên các mảng dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm và thanh toán.
Hồi cuối tháng 12/2020, các nhà quản lý đã yêu cầu Ant Group thành lập một công ty tài chính riêng biệt và đưa Ant Group quay lại hoạt động kinh doanh thanh toán trước đây. Đồng thời tăng cường tính minh bạch liên quan đến các giao dịch, nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh, cải thiện công tác quản trị doanh nghiệp, tuân thủ tốt quy định pháp lý.
Hiện các nhà phân tích từ Bernstein dự báo mảng thanh toán và fintech của Tencent được định giá khoảng 105 - 120 tỷ USD. Trong đó, mảng thanh toán được định giá 70-80 tỷ USD, 35-40 tỷ USD còn lại là giá trị mảng bảo hiểm và quản lý tài sản. Điều này có nghĩa sau loạt phiên sụt giảm giá trị cổ phiếu vừa qua, giá trị mảng fintech của Tencent gần như đã bị thổi bay hoàn toàn.
Một động thái mạnh tay với Tencent sẽ đánh dấu bước leo thang đáng kể trong chiến dịch “dằn mặt” các gã khổng lồ công nghệ của chính phủ Trung Quốc. Hồi đầu tháng này, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã cam kết tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc rằng sẽ tăng cường giám sát các công ty công nghệ tài chính, dập tắt các biểu hiện độc quyền và ngăn chặn hành vi tăng vốn không kiểm soát.
Cuối tuần trước, Tencent là một trong hàng loạt công ty công nghệ Trung Quốc bị phạt bởi cơ quan quản lý chống độc quyền SAMR do không xin phép khi thực hiện các thương vụ đầu tư và thâu tóm trước đây. SAMR tuyên bố 12 công ty trong danh sách, bao gồm cả Tencent sẽ phải nộp phạt 500.000 NDT (khoảng 77.000 USD).
Các gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc đều phát triển tự do trong suốt thời gian qua, tức là được các cơ quan quản lý lờ đi khi tiến hành hàng chục thương vụ sáp nhập công nghệ lớn mà không cần nộp đơn xin phép. Khoản phạt 500.000 NDT dành cho Tencent (mức phạt tối đa cho hành vi vi phạm theo luật chống độc quyền) là không đáng kể với đại gia công nghệ Trung Quốc. Nhưng nó gửi đi một tín hiệu cảnh báo rõ ràng rằng thời đại mà Bắc Kinh dung túng cho hành vi độc quyền trong lĩnh vực Internet để khuyến khích đổi mới công nghệ có thể đã chấm dứt.
Theo chuyên gia Kay Hian từ UOB, thị trường cũng đang quan ngại nguy cơ chính phủ Trung Quốc tăng cường kiểm soát lĩnh vực game kỹ thuật số của Tencent.
Tuy nhiên nhìn chung, các nhà đầu tư vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng và vị thế của Tencent khi so sánh với trường hợp gã khổng lồ Alibaba của Jack Ma. “Quan trọng hơn, chúng tôi thấy rằng vị thế cạnh tranh của Tencent trong các mảng kinh doanh chính về cơ bản là vững chắc, với rất ít đối thủ cạnh tranh nổi bật” - các nhà phân tích Bernstein nhấn mạnh.